Giá đường bán lẻ cao một cách phi lý
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong niên vụ 2019/2020, thị trường nội địa chiếm trên 86,5% tổng lượng cung đường, chỉ có trên 13,4% được xuất khẩu. Điều này cho thấy sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam cho đến nay vẫn chủ yếu là dựa vào thị trường tiêu thụ trong nước.
Tuy vậy, tiêu thụ đường trên thị trường nội địa ở Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề. Hiện có 3 kênh tiêu thụ đường chủ yếu ở Việt Nam gồm kênh bán hàng cho các khách hàng tiêu thụ công nghiệp, kênh bán buôn cho siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thương mại và kênh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng.
Trong đó, kênh bán buôn cho siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thương mại đang chiếm tỷ lệ cao nhất là 52%. Kênh bán hàng cho các khách hàng tiêu thụ công nghiệp hiện đứng thứ hai, chiếm 42,6% lượng tiêu thụ. Kênh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp là 5,5%.
Do kênh bán buôn cho siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thương mại đang chiếm tỷ trọng lớn khiến cho giá bán lẻ đường tới tay người tiêu dùng bị đội lên cao một cách phi lý, chênh lệch quá lớn so với giá thành sản xuất đường và giá bán tại cổng các nhà máy đường.
Trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3/2021, giá bán sỉ tại các nhà máy đối với đường tinh luyện RE dao động từ 17.800- 18.000 đồng/kg. Với giá sỉ như trên, giá bán lẻ đường RE chỉ khoảng 21.000- 22.000 đồng/kg là hợp lý. Thế nhưng, giá bán lẻ tại nhiều siêu thị đối với đường RE đóng gói bình quân từ 25.000- 28.000 đồng/túi (loại 1kg).
Trong nhiều năm qua, người tiêu dùng đang phải trả thêm 1 khoản chi phí phân phối trung gian khá lớn, trung bình từ 18-22% giá đường. Ngoài khâu trung gian tăng chi phí thì khâu bán lẻ không loại trừ việc 1 kg đường vào siêu thị phải chịu chiết khấu 20%, thậm chí 30%.
Bởi vì những mặt hàng tiêu dùng khác tương tự khi đưa vào đại lý kí gửi tại các siêu thị có thế mạnh về doanh số đều phải chấp nhận điều kiện của họ. Điều này cũng góp phần làm cho giá bán lẻ đường chênh lệch quá lớn so với giá đường ở cổng nhà máy đường.
Chính vì giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng cao như vậy nên lượng đường tiêu thụ bị hạn chế, trong khi đó tồn kho lại lớn, đây là một nghịch lý mà lâu nay chưa gỡ bỏ được ở thị trường đường Việt Nam.
Cắt giảm dần khâu trung gian
Như vậy, có thể thấy, khâu trung gian và khâu bán lẻ đang hưởng quá nhiều lợi nhuận so với người trồng mía và nhà máy sản xuất ra những hạt đường Việt Nam. Điều này đã kéo dài nhiều năm và không phải là hiện tượng cá biệt, mà vẫn chưa giải quyết được, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của hạt đường Việt Nam trên thị trường nội địa, nhất là trước sức ép của đường nhập khẩu (gồm cả đường nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu).
Trước tình hình đó, VSSA cho rằng, rất cần vai trò trọng tài của Bộ Công Thương để đảm bảo công bằng trong giao dịch thương mại trên thị trường phân phối và tiêu thụ đường trong nước hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải giảm lượng đường tiêu thụ thông qua kênh bán buôn cho siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thương mại để giảm giá bán nguyên liệu đường đầu vào của các mặt hàng chế biến có sử dụng đường.
Qua đó, gia tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất công nghiệp và người tiêu dùng đường, cũng như tăng sức cạnh tranh cho đường sản xuất trong nước so với đường nhập khẩu.
Đồng thời, 2 kênh bán hàng cho các khách hàng tiêu thụ công nghiệp và bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng cần phải có giải pháp để thúc đẩy, tăng lên trong thời gian tới. Qua đó, cắt giảm hoàn toàn chi phí phân phối trung gian, giảm giá bán đường đến tay người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh của đường sản xuất trong nước trong bối cảnh dự báo nhu cầu và mức tiêu thụ đường bình quân/người/năm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành mía đường cũng cần đẩy mạnh bán hàng qua kênh bán hàng truyền thống. Trong hệ thống phân phối nội địa hiện nay, cả nước đang có khoảng 9.000 chợ, 1.085 siêu thị và 200 trung tâm thương mại.
Riêng ở kênh bán hàng truyền thống là ở các chợ, mặt hàng đường sản xuất trong nước được bán số lượng rất ít. Nguyên nhân là do bán lẻ Việt Nam đã có lúc bỏ quên chợ truyền thống, mà chính ở kênh này đã bán từ 80-85% các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng xã hội, nhất là cho đối tượng thu nhập thấp.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh tiêu thụ đường do các nhà máy Việt Nam sản xuất, thì ngoài việc chăm chút cho kênh bán hàng hiện đại, cũng phải chú trọng hơn nữa đến kênh bán hàng truyền thống.
Theo VSSA, trong khi hệ thống các chợ đầu mối và các sàn giao dịch nông sản thực phẩm chưa được hình thành một cách cơ bản ở thị trường Việt Nam, thì mặt hàng đường cũng có thể đang bị ép cấp, ép giá, mua bán phải thông qua thương lái và qua nhiều khâu trung gian, không phản ánh đúng giá trị sức lao động bỏ ra của người nông dân và chi phí sản xuất đường của nhà máy. Nếu khắc phục được những vấn đề ở trên, hạt đường Việt Nam sẽ được cạnh tranh một cách bình đẳng với đường nhập khẩu của các nước.