| Hotline: 0983.970.780

Ngành mía đường tìm lối thoát trong gian khó

Thứ Sáu 23/10/2020 , 07:56 (GMT+7)

Ngành mía đường đã bước vào vụ 2020/21 với những khó khăn rất lớn. Trong bối cảnh ấy, nhiều nhà máy đã có những giải pháp thiết thực để tiếp tục phát triển.

Diện tích mía giảm mạnh do giá mía thấp gây khó khăn lớn về nguyên liệu cho ngành mía đường. Ảnh: TL.

Diện tích mía giảm mạnh do giá mía thấp gây khó khăn lớn về nguyên liệu cho ngành mía đường. Ảnh: TL.

Chỉ còn 25 nhà máy tiếp tục hoạt động

Bước vào niên vụ 2020/21, có thêm 4 nhà máy đường tạm dừng “cuộc chơi” gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong. Nguyên nhân là do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

Như vậy, từ chỗ có tới hơn 40 nhà máy đường, đến thời điểm này, ngành mía đường chỉ còn 36 nhà máy đang tồn tại, trong đó, chỉ có 25 nhà máy tiếp tục hoạt động trong niên vụ 2020/21. Điều này cho thấy ngành mía đường đang tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn lớn đã kéo dài trong mấy năm qua.

Khó khăn lớn đầu tiên vẫn là giá cả. Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho hay, giá đường thấp đã kéo dài mấy năm nay, khiến cho các nhà máy không thể nào mua được giá mía đủ cao, đảm bảo được lợi nhuận cho người trồng mía.

Giá đường và giá mía thấp đã dẫn tới khó khăn lớn khác là diện tích mía nguyên liệu giảm mạnh. Theo VSSA, niên vụ 2019/20, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng (khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn so vói niên vụ trước), nhưng do giá mía thấp, nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác, dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.

Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho thấy, tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía vụ 2019/20 là 182.599 ha, giảm 18,4% so với vụ 2018/19 (223.847 ha).

Theo báo cáo của các nhà máy đường, vụ ép 2019/20, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 7.662.235 tấn mía (so với kế hoạch dự kiến đầu vụ là 9.750.475 tấn). Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000). Sản lượng mía nguyên liệu giảm mạnh dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 29 nhà máy hoạt động trong vụ 2019/20.

Vụ 2020/21, diện tích, sản lượng mía nguyên liệu dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong vụ 2020/21: diện tích mía thu hoạch của các nhà máy là 127.446 ha; sản lượng mía đưa vào chế biến 7.498.060 tấn; năng suất mía bình quân trên diện tích thu hoạch là 61,77 tấn/ha; chữ đường bình quân 10,10 CCS.

Còn theo số liệu do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổng hợp từ báo cáo của địa phương, dự kiến kế hoạch sản xuất mía ở các tỉnh có nhà máy đường niên vụ 2020/21 như sau: Diện tích mía thu hoạch 168.854 ha; năng suất 62,1 tấn/ha; sản lượng mía đưa vào chế biến 10.493.457 tấn.

Đường nhập khẩu giá rẻ cũng đang tạo sức ép rất lớn lên sản xuất mía đường trong nước. Ông Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch VSSA, cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có trên 1 triệu tấn đường được nhập khẩu vào Việt Nam, cao hơn cả lượng đường sản xuất trong nước niên vụ 2019/20 (913.397 tấn).

Với số lượng lớn như trên, đường nhập khẩu đã tràn ngập thị trường khiến nguồn cung dư thừa trong bối cảnh thị trường thu hẹp dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được. 

Nhiều giải pháp vượt khó

Trong bối cảnh khó khăn quá lớn, nhiều nhà máy đường vẫn đang nỗ lực tìm những hướng đi, giải pháp thiết thực nhằm duy trì, phát triển được hoạt động của nhà máy, duy trì vùng mía nguyên liệu của nông dân.

Một trong những giải pháp mà nhiều nhà máy đang thực hiện có hiệu quả là đẩy mạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm sau đường.

Ông Lê Bá Chiêu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS), cho biết, ngoài sản phẩm đường cát truyền thống (đường tinh luyện, đường kính trắng, đường vàng…), LSS đã phát triển đường phèn, đường lỏng, đường thanh.

Đặc biệt, LSS đã cho ra 2 sản phẩm sau đường là nước mía dinh dưỡng tế bào (Mitaji) và sữa gạo lức giàu protein. Đường phèn của LSS hiện đã được xuất khẩu sang Malaysia, Singapore...

Còn với sản phẩm nước dinh dưỡng tế bào mía, công ty đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống phân phối trên cả nước. Mỗi năm, LSS đang tiêu thụ 50-60 triệu hộp nước dinh dưỡng tế bào mía trên thị trường nội địa.

Việc đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm sau đường, đã giúp cho LSS duy trì được nguồn thu, nâng cao giá trị của đường mía, qua đó, có thể chi trả cao hơn cho nông dân để họ duy trì diện tích vùng mía nguyên liệu từ 8.000-10.000 ha. Công ty đã có cam kết giá mía đến năm 2025 là 1 triệu đồng/tấn (10 CCS) tại ruộng để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển mía.

Đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, đưa vào đồng ruộng các giống mía có năng suất, chất lượng cao… là những giải pháp mà nhiều nhà máy đang tích cực thực hiện để nâng cao năng suất, chất lượng mía, hạ giá thành sản phẩm.

Với Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar), ngoài những giải pháp nói trên, công ty đang có những chính sách duy trì, phát triển vùng nguyên liệu như khuyến khích nông dân thuê đất làm cánh đồng lớn, đưa ra các giải pháp canh tác phù hợp cho từng vùng nguyên liệu; phân loại nông dân thông qua dữ liệu để đầu tư nhiều hơn cho những nông dân sản xuất tốt...

TTC Sugar đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới là đạt năng suất bình quân 80 tấn/ha; chữ đường bình quân 10,5 CCS; đầu tư đảm bảo sản lượng tối ưu; nông dân sản xuất có hiệu quả...

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

English Champion 2024 - Be Global, Tìm kiếm Nhà Vô Địch toàn quốc

Ngày 28/03/2024, English Champion - cuộc thi tiếng Anh học thuật do iSMART Education tổ chức với chủ đề 'Be Global' hứa hẹn mang đến những trải nghiệm bùng nổ.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất