Mới đây, tại làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê xảy ra vụ tai nạn pháo nổ làm một nam sinh tử vong. Theo đó, khoảng 10h30’ ngày 8/12/2024, khi cháu N (sinh năm 2011, học sinh lớp 8, trường THCS Chu Văn An - thị trấn Chư Sê) đang chế tạo pháo trong phòng ngủ của mình thì xảy ra nổ khiến nạn nhân bị đa chấn thương vùng mặt, vùng trán, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo Công an tỉnh Gia Lai, đây không phải là trường hợp cá biệt bị nạn do pháo nổ. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh có 13 học sinh bị tai nạn thương tích do chế tạo pháo nổ. Để ngăn ngừa hiểm họa do các hành vi chế tạo pháo nổ gây ra, các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội cần chú trọng giáo dục cho các em có nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của pháo nổ; hành vi chế pháo hoặc mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Ngoài những rủi ro, có thể dẫn đến tai nạn thương tích thì đây còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 5 - Nghị định 137 năm 2020 của Chính phủ có quy định các hành vi nghiêm cấm như sau:
(1) Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ;
(2) Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo;
(3) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Tương ứng với các hành vi nghiêm cấm thì Nghị định cũng quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính và tùy tính chất, mức độ vi phạm, có thể xử phạt tù từ 1 đến 15 năm.