Giá trị thật của bằng cấp do ai xác định? Dĩ nhiên, do ngành giáo dục. Thế nhưng, trong xu hướng biến môi trường đào tạo thành một lĩnh vực công nghiệp không khói, thì những toan tính cá nhân khiến giá trị thật của bằng cấp càng mơ hồ.
Dư luận thêm một phen ngơ ngác khi Trường đại học Văn Lang cho phép một học viên không đủ điều kiện trúng tuyển đầu vào được đăng ký học trước chương trình cao học, và học viên này chỉ mất 10 tháng để trở thành thủ khoa thạc sĩ.
Việt Nam đang bùng nổ những trí tuệ siêu phàm chăng? Không phải, vì giá trị thật của bằng cấp vẫn rất khiêm tốn. Chẳng có mấy luận án có thể ứng dụng trong đời sống, góp phần cải thiện sản xuất hay thay đổi nhận thức cho xã hội. Đã qua cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, bằng cấp giống như hành trang cho mọi nhu cầu ganh đua, nên giá trị thật cũng ít được bận tâm.
Bằng cấp thạc sĩ bây giờ dường như không đáng kể, vì số lượng tiến sĩ tăng đột biến đến mức được ví von “nhiều như nấm sau mưa”. Chung quanh học vị tiến sĩ nảy sinh bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười. Ví dụ tiêu biểu mới đây là trường hợp ông VTV sau khi được trao bằng tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội bỗng dưng bị phát hiện chưa có bằng tú tài.
Sau khi có thông tin về quá trình sở hữu học vị tiến sĩ một cách thần tốc của ông VTV, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chính thức có văn bản xác nhận, ông VTV không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 cũng như không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa năm 1989.
Vậy thì ông VTV lấy cơ sở nào để học lên tiến sĩ? Trước sức ép dư luận, Trường Đại học Luật Hà Nội giải thích, ông VTV được cấp bằng cử nhân văn bằng 2 ngành luật (hình thức vừa làm vừa học) và bằng tiến sĩ luật, vì họ căn cứ ông VTV đã học văn bằng 1 tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội.
Quả bóng trách nhiệm đá sang cho Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Rất khéo léo, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho biết, ông VTV đã học ngành ngôn ngữ Anh hệ đào tạo từ xa từ năm 1994 đến năm 2001. Đến nay, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông VTV.
Con đường lắt léo vươn tới một tiến sĩ của ông VTV thật ngoạn mục. Không có bằng tú tài nhưng nhờ học kiểu đào tạo từ xa nên có bằng đại học ngoại ngữ, rồi lại dùng bằng đại học ngoại ngữ để lấy bằng đại học luật, rồi sau hai năm có luôn bằng tiến sĩ luật. Rõ ràng, quy trình đào tạo có sơ hở, nhưng để làm cho ra ngô ra khoai cũng vô cùng nan giải, trong bối cảnh bằng giả học thật trộn lẫn với bằng thật học giả.
Giá trị thật của bằng cấp chưa được coi trọng, vì một bộ phận người Việt hãnh tiến đang có tâm lý chạy theo danh vọng nhiều hơn trau dồi kiến thức. Thương mại hóa giáo dục sẽ dẫn đến thực trạng bằng cấp được xem như hàng hóa khuất tất để mua bán công khai.