| Hotline: 0983.970.780

Giải hạn nhờ công trình thủy lợi sau Cần Đơn

Thứ Tư 21/09/2022 , 08:41 (GMT+7)

Sau hơn 4 năm đi vào vận hành, công trình thủy lợi sau Cần Đơn ngoài phát huy nhiều hiệu quả, thì vẫn còn bộc lộ một số bất cập cần xử lý triệt để.

Hạn hán được đẩy lùi

Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước với hơn 75% dân số dựa vào nông nghiệp. Trước đây, mỗi khi đến mùa khô, tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con nơi đây. Để đối phó hạn hán, không ít hộ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng, tìm nguồn nước tưới cho cây trồng nhưng tình hình không mấy cải thiện. Từ khi công trình thủy lợi sau Cần Đơn chính thức đi vào vận hành, không chỉ giúp “giải hạn”, nhiều bà con còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh, tăng vụ nâng cao thu nhập.

DSCN6687

Một góc tuyến kênh chính của công trình thủy lợi sau Cần Đơn. Ảnh: Trần Trung.

Đi dọc tuyến kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn những ngày này, chúng tôi thỏa mắt với dòng nước đỏ quánh, cuộn tràn phù sa dẫn nước từ lòng hồ thủy điện Cần Đơn tưới mát cho hàng ngàn ha đất sản xuất cho 4 xã, thị trấn cánh Tây của huyện biên giới Bù Đốp.

Đang tất bật lấy nước từ kênh thủy lợi phục vụ cho 0,4 ha lúa vừa xuống giống, anh Hà Văn Thanh ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình cho biết, lúc chưa có công trình thủy lợi, anh cũng như hầu hết người dân nơi đây sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời, năm nào thuận lợi lắm thì làm được 2 vụ nhưng rất thấp thỏm. Hiện có nước, năm nào anh cũng sản xuất 3 vụ, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt.

DSCN6701

Người dân địa phương khẩn trương lấy nước vào ruộng. Ảnh: Trần Trung.

“Để lấy được nước vào ruộng tôi phải lắp đặt đường ống Pi 50, trung bình mỗi cuộn ống giá 600 ngàn đồng, sử dụng được hơn 2 năm, bù lại, nhờ thủy lợi mình làm lúa được quanh năm, trung bình 1.000m2  ruộng/vụ thu hoạch được hơn 700kg lúa. Ngoài để ăn tôi còn phục vụ chăn nuôi, nhìn chung từ lúc thủy lợi vào hoạt động đời sống bà con cũng được cải thiện đáng kể, người dân nơi đây ai cũng phấn khởi”, anh Hà Văn Thanh nói.

Cách đó hơn 15 km, nằm trên địa bàn xã Tân Tiến là vườn bưởi da xanh rộng hơn 50 ha của Hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Global GAP Bù Đốp. Anh Lê Ngọc Chiến, thành viên ban quản trị HTX cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích đất sản xuất của HTX chủ yếu của người dân địa phương, canh tác phần lớn là lúa và hoa màu nhưng rất manh mún, nhỏ lẻ, thậm chí để hoang do mùa nắng thì thiếu nước, mưa thì ngập lụt.

DSCN6764

Vườn bưởi da xanh của bưởi da xanh Global GAP Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Sau khi nhà nước có chủ trương xây dựng hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn để cung cấp nước sản xuất vào mùa khô và tiêu thoát nước vào mùa mưa, dưới sự vận động của chính quyền địa phương, HTX đã vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa sang trồng bưởi da xanh, đồng thời, lập ra HTX để liên kết sản, giúp nhau làm giàu.

Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi xanh ngát, anh Chiến cho biết thêm, do vườn bưởi nằm cách kênh mương thủy lợi hơn 1km, để lấy nước và tận dụng tối đa hiệu quả từ nguồn nước, toàn bộ diện tích bưởi của HTX đều được trang bị hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, đồng thời xây dựng 10 hồ chứa để trữ nước vào mùa khô.

DSCN6771

Anh Lê Ngọc Chiến thành viên ban quản trị HTX bưởi Bù Đốp khoe những quả bưởi căng tròn. Ảnh: Trần Trung.

“Mỗi ha của hợp tác xã có khoảng 280 cây, vào cao điểm mùa khô, mỗi gốc bưởi sẽ cần khoảng 0,5m3 nước, vì thời gian mùa khô ở đây thường kéo dài, nguồn nước tự nhiên không đảm bảo để tưới cho vườn. Vì vậy, chúng tôi phụ thuộc vào lượng nước của hệ thống kênh thủy lợi rất nhiều. Để thuận lợi, chúng tôi đã khắc phục hệ thống truyền nước vào trong hồ, hệ thống dẫn từ kênh mương của thủy lợi vào sâu trong vườn bưởi và đi tới các hệ thống tưới, qua đó, không chỉ cung cấp nước đầy đủ cho cây, còn giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất”, anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.

Còn một số bất cập

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, Dự án thủy lợi sau Cần Đơn được khởi công xây dựng từ năm 2007 với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ. Công trình gồm kênh chính dài 18.000 mét và kênh tưới cấp 1 dài 26.965 mét, được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Mục tiêu của dự án là cung cấp nước tưới cho 4.578 ha đất nông nghiệp, trong đó tưới tự chảy 2.969 ha, tưới động lực 1.609 ha trên địa bàn 4 xã và thị trấn.

1

Không thể phủ nhận những giá trị mà công trình thủy lợi sau Cần Đơn đã đem lại, tuy nhiên, một số nơi vùng sâu, vùng xa nước vẫn chưa vươn tới do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Trần Trung.

 Ngoài ra, kênh còn cung cấp nguồn nước thô cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho thị trấn Thanh Bình với công suất khoảng 480 m3/ngày đêm. Kênh do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành và chính thức đi vào động vào năm 2018.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết, không thể phủ nhận những giá trị mà công trình thủy lợi sau Cần Đơn đã đem lại cho địa phương biên giới còn nhiều khó khăn với nền sản xuất nông nghiệp là chính. Tuy nhiên, sau 4 năm chính thức đi vào vận hành, công trình còn bộc lộ một số bất cập, thứ nhất, một số kênh nhánh chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thứ hai là công tác bảo vệ công trình có lúc có nơi còn thiếu sự kiểm tra giám sát, xuất hiện tình trạng người dân đóng, mở khóa các van của công trình để lấy nước, chưa kể người dân còn vứt rác bừa bãi khiến một số kênh nhánh bị nghẽn dòng chảy. Ngoài ra, nhận thức về nước và đăng ký sử dụng nước của người dân còn hạn chế, chính vì vậy ảnh hưởng chung đến việc điều tiết nước …

3

Do nhiều nguyên nhân một số khu vực vùng sâu nước vẫn chưa vươn tới. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện một số diện tích vùng sâu, vùng xa nước từ kênh vẫn chưa vươn tới, qua khảo sát thực tế, hiện công trình mới chỉ đáp ứng 50-60% toàn bộ khu tưới. Đơn cử, chỉ cách điểm cuối kênh N8 thuộc ấp 1, xã Thanh Hòa chừng 1 km nhưng cánh đồng lúa khoảng 30 ha của người dân địa phương do kênh nhánh chưa vươn tới nên vẫn không thể lấy nước vào mùa khô. Tương tự, cánh đồng 20 ha ở cuối ấp 6 xã Thanh Hòa có kênh nhánh  N7 đi qua nhưng vẫn không thể sản xuất bởi nước chưa thể chảy tới…”, ông Trần Văn Thành chia sẻ.

Giải pháp căn cơ

Theo ông Trần Văn Thành, để phát huy hiệu quả tối đa của công trình thủy lợi sau Cần Đơn cần phải có những giải pháp đồng bộ. Trước hết là phải xây dựng hệ thống kênh mương cấp 2 để dẫn nước từ kênh cấp 1 của công trình thủy lợi sau Cần Đơn vào từng đám ruộng. Vấn đề thứ hai là phải nâng cao ý thức cho người dân trong việc đăng ký lấy nước, sử dụng nước và bảo vệ công trình.

Bình Phước chuẩn bị 1500 ha sầu riêng.00_19_07_22.Still007

Địa phương đang tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến kênh nhánh. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nguồn ngân sách của huyện còn eo hẹp sẽ cực kỳ khó khăn nếu muốn đầu tư hệ thống kênh mương cấp 2 này. Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua, huyện nhận được thông tin, sắp tới địa phương sẽ được ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đầu tư dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, sẽ nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tưới cho công trình thủy lợi sau Cần Đơn.

“Dự kiến, công trình sẽ được mở rộng thêm 180 km tuyến kênh nhánh dẫn nước phục vụ  khoảng 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Khi việc nâng cấp vào hoạt động, chắc chắn ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục được phát triển”, ông Trần Văn Thành phấn khởi nói.

Bình Phước chuẩn bị 1500 ha sầu riêng.00_18_19_14.Still004

Kỳ vọng sau khi hoàn tất công trình thủy lợi sau Cần Đơn sẽ phát huy hết công năng. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Anh Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp, địa phương có rất nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp. Ngoài  diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 33,6 ngàn ha, huyện còn 6 hồ thủy lợi và đập thủy điện Cần Đơn với hệ thống kênh mương dài hơn 42km, đủ cung cấp nước tưới cho trên 2.000 ha lúa, 3.000 ha hoa màu và 8.000 ha các loại cây công nghiệp.

“Xác định thủy lợi có vai trò rất quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp địa phương, để phát huy hết hiệu quả từ các công trình thủy lợi mang lại, thời gian tới huyện chủ yếu tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, góp phần thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Đảm bảo cân đối cung, cầu, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Ngoài ra, huyện còn tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế HTX, kinh tế trang trại, liên kết sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động và nguồn vốn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống của người dân…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Nguyễn Anh Tài nhấn mạnh.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.