Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có khoảng 2.808 công trình thủy lợi, trong đó có 160 hồ chứa, 1.481 phai, đập dâng các loại, 163 trạm bơm, 1.004 công trình tạm, guồng cọn. Trong đó, có khoảng 20 hồ chứa lớn có dung tích từ 1 triệu m3 đến 15 triệu m3, phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho tổng diện tích khoảng 7.304ha. Tính đến hết tháng 8 năm 2022, mực nước các hồ chứa trên địa bàn trung bình đạt khoảng 60,4%.
Nhằm phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố của 14 công trình hồ, đập với tổng kinh phí hơn 220 tỷ đồng. Qua đánh giá kiểm tra, các hồ, đập cơ bản đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm nay.
Huyện Bắc Sơn hiện có 13 hồ chứa, 27 đập dâng và 1 trạm bơm điện với tổng số chiều dài kênh mương hơn 110 km, phục vụ tươi tiêu cho sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Trong quá trình khai thác, vận hành, mặc dù thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, tuy nhiên, vẫn còn một số công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Điển hình công trình hồ Phai Thuống, xã Trấn Yên; hồ Khau Hường, xã Chiến Thắng; hồ Khuôn Ngần, xã Đồng Ý.
Để đảm bảo an toàn cho các hồ, đập, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, UBND huyện Bắc Sơn đã phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi tiến hành rà soát, kiểm tra đánh giá hiện trạng, có phương án sửa chữa những công trình có sự cố. Trong năm 2022, huyện Bắc Sơn tiến hành sửa chữa 4 kênh mương tại xã Vũ Lăng và xã Bắc Quỳnh.
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Bắc Sơn cho biết: "Chúng tôi thường xuyên duy tu sửa chữa tất các các công trình hồ đập, mương máng để đảm bảo tưới tiêu hiệu quả, cũng như đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão. Đặc biệt, chủ động bám sát, theo dõi thời tiết, bố trí nhân lực trực 24/24h; hạ mực nước hồ trước khi có bão đổ bộ vào".
Theo ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn: “Hầu hết các hồ ở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không phải hồ có điều tiết mà là hồ cửa xả tràn tự nhiên. Những hồ này đều tính toán theo phương án phòng lũ bằng dung tích phòng lũ ở phía trên mực nước dâng bình thường. Chính vì vậy, khi xả sâu xuống để mở thêm dung tích phòng lũ thì chắc chắn có thể đảm bảo an toàn cho công trình trong các đợt bão.
"Chúng tôi yêu cầu Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn giao cho các xí nghiệp và công nhân quản lý thường xuyên bám sát các hồ, trên mặt đập, nếu có những diễn biến bất thường phải báo cáo ngay để có phương án xử lý kịp thời”, ông Đạt cho biết.
Là đơn vị quản lý các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh với 123 hồ chứa, 206 đập dâng, 86 trạm bơm và trên 1.100km kênh mương, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn thường xuyên triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa, lũ.
Ông Liễu Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn cho biết: “Để đảm bảo công tác an toàn trong mùa mưa bão năm 2022, ngay từ đầu năm, công ty đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức trực ban theo dõi diễn biến thời tiết; tiến hành sửa chữa, duy tu 10 công trình hồ, đập; cử cán bộ thường trực tại công trình, nhất là các công trình thủy lợi ảnh hưởng lớn tới hạ du khi mưa bão”.
Nhờ đó, phát hiện và xử lý kịp thời một số công trình kênh mương bị sạt lở, vùi lấp, trạm bơm điện bị hư hỏng để tiến hành sửa chữa, nâng cấp; xây dựng các phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng từ 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Tổng lượng mưa tại khu vực phía Bắc trong tháng 8 từ 120-450 mm, trong tháng 9 từ 100-450 mmm, tháng 10 từ 30-100 mm. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi sẽ giúp điều tiết nước hợp lý để phục vụ sản xuất, giảm ngập úng, góp phần đảm bảo an toàn tài sản và hoạt động sản xuất của người dân.