| Hotline: 0983.970.780

Giải mã vì sao ông Trump quyết định 'công nhận Jerusalem'

Thứ Ba 12/12/2017 , 13:05 (GMT+7)

Với động thái công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Tổng thống Donald Trump đã có bước đột phá trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với vấn đề Jerusalem sau 7 thập kỷ.

Vì sao ông Trump quyết định như vậy và vì sao nó quan trọng? Theo cây bút phân tích Oren Liebermann của đài CNN, vị thế của Jerusalem luôn là một trong những câu hỏi nhạy cảm và khó khăn nhất trong cuộc xung đột Israel-Palestine.
 

Phá vỡ đồng thuận

Trong nhiều năm, chính sách của Mỹ là tránh tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng minh lâu đời của Washington, nếu không có một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine, bởi người Palestine cũng coi Jerusalem là thủ đô của họ. Cần nhắc lại rằng Palestine là một quốc gia có chủ quyền về pháp lý tại Trung Đông, được đa số thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận và kể từ năm 2012 có vị thế nhà nước quan sát viên phi thành viên tại Liên Hiệp Quốc. Palestine yêu sách chủ quyền đối với West Bank (hay Bờ Tây, giáp Israel và Jordan) và Dải Gaza (giáp Israel và Ai Cập), tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô. Hầu hết các khu vực mà Nhà nước Palestine yêu sách chủ quyền bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 sau Chiến tranh Sáu ngày.

09-14-25_1200px-us_embssy_tel_viv_6924
Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv, Israel (wikipedia)

Vấn đề là một quyết định đơn phương sẽ phá vỡ sự đồng thuận quốc tế và là động thái quyết định trước một vấn đề lẽ ra cần phải bàn luận, thương thảo.

Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và bước tiếp theo là chuyển đại sứ quán hiện nay từ Tel Aviv về Jerusalem, Mỹ đã giúp củng cố chủ quyền của Israel với vùng đất thiêng của ba tôn giáo lớn nhất nhì thế giới.

Vậy việc chuyển địa điểm của đại sứ quán có ý nghĩa thế nào, tác động ra sao?

Về lý thuyết, chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem là điều đơn giản. Bởi tại Jerusalem, đã có sẵn tòa lãnh sự quán Mỹ. Mỹ chỉ cần thay tấm biển ngoài cửa, nâng cấp tòa lãnh sự thành đại sứ quán, thay tấm biển khác ở tòa đại sứ quán ở Tel Aviv.

Nhưng thay vì điều đó, ông Trump đã lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ “bắt đầu chuẩn bị chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem”. Mệnh lệnh này, theo lời ông Trump, sẽ cho phép Bộ Ngoại giao tiến hành các bước thuê mướn nhà cửa, kí hợp đồng với các nhà thầu để chuẩn bị xây tòa đại sứ mới, là “đóng góp ngoạn mục cho hòa bình”.

Nhưng thách thức không chỉ là chuyện “vận chuyển đồ đạc”. Chuyển dời đại sứ quán, Mỹ đang tạo ra nguy cơ căng thẳng ngoại giao với các nước Ả rập, có thể dẫn tới biểu tình bên ngoài các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở nhiều nước.
 

Ngược dòng lịch sử

Năm 1947, Liên Hợp quốc đã vạch ra kế hoạch biến Jerusalem thành một “thành phố quốc tế” tách biệt. Nhưng sau khi Israel tuyên bố độc lập năm 1948 và cuộc chiến với các nước Ả rập sau đó 1 năm đã chia cắt Jerusalem. Khi cuộc chiến kết thúc năm 1949, Israel kiểm soát nửa phía Tây và Jordan kiểm soát nửa phía đông, bao gồm cả khu phố cổ nổi tiếng.

Nhưng trong Cuộc chiến Sáu ngày vào năm 1967, Israel chiếm nốt Đông Jerusalem. Kể từ đó, toàn bộ thành phố nằm trong vòng kiểm soát của Israel. Nhưng người Palestine và nhiều cộng đồng quốc tế khác tiếp tục coi Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai.

Hiện nay có khoảng 850.000 người sống tại Jerusalem. 37% là người Ả rập, 61% là người Do Thái, theo số liệu của Viện Jerusalem, một tổ chức nghiên cứu độc lập. Đa số người Palestine cư trú ở khu đông Jerusalem.

09-14-25_jews_t_western_wll_by_felix_bonfils_1870s
Người Do Thái tại Bức tường phía Tây linh thiêng, ảnh chụp năm 1870

Thực ra không phải Mỹ là nước đầu tiên có ý định đặt đại sứ quán ở Jerusalem. Trước năm 1980 đã có một số quốc gia thực hiện điều này, bao gồm Hà Lan và Costa Rica. Nhưng đến tháng 7/1980, Israel thông qua luật tuyên bố Jerusalem là thủ đô thống nhất của nước này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc phản ứng bằng cách ra nghị quyết lên án Israel sáp nhập đông Jerusalem và tuyên bố đó là vi phạm luật pháp quốc tế. Năm 2006, Costa Rica và El Salvador là những quốc gia cuối cùng chuyển đại sứ quán khỏi Jerusalem về Tel Aviv. Một số nước vẫn duy trì lãnh sự quán tại Jerusalem, bao gồm Mỹ, ở khu tây. Các nước khác, ví dụ Anh và Pháp, có lãnh sự quán ở khu đông, cũng là cơ quan ngoại giao chính trong khu vực của người Palestine.

Mỹ chưa từng đặt đại sứ quán ở Jerusalem. Nhưng vào năm 1989, Israel bắt đầu cho Mỹ thuê một khoảnh đất lớn ở Jerusalem để làm đại sứ quán mới trong 99 năm, với giá 1 USD/năm. Cho đến nay, mảnh đất này vẫn bỏ trống.

Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua luật yêu cầu chính quyền dời đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem. Những người đề xuất luật nói Mỹ cần tôn trọng lựa chọn của Israel, coi Jerusalem là thủ đô, và công nhận điều đó.

Tuy nhiên, kể từ năm 1995, các Tổng thống Mỹ như Clinton, Bush và Obama đều trì hoãn dời sứ quán, cho rằng nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Cứ 6 tháng, tổng thống lại dùng quyền phủ quyết để trì hoãn việc di dời sứ quán.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông hy vọng các nước làm theo Mỹ, dời cơ sở ngoại giao về Jerusalem.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.