| Hotline: 0983.970.780

Giải mã vùng đất thiêng Jerusalem, một trong những thành phố cổ nhất thế giới

Thứ Hai 11/12/2017 , 13:01 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ vừa đưa ra quyết định ngay lập tức gây tranh cãi vì tính nhạy cảm của nó: Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dự định dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Vì sao quyết định này đặc biệt nhạy cảm?

Toàn cảnh khu trung tâm Jerusalem (Ảnh: wikipedia)

 Và vì sao nhạy cảm mà ông Trump vẫn đưa ra quyết định, nhằm mục đích gì? Tất cả những câu hỏi đó muốn trả lời, cần soi chiếu vào lịch sử lâu đời, phức tạp của Jerusalem.

Tại Jerusalem, từ lâu đã tồn tại căng thẳng giữa một bên là Israel và một bên là Palestine cùng một số quốc gia khác ở khu vực Trung Đông.

Một trong những lý do cội rễ là ở chỗ: Jerusalem được coi là vùng đất thiêng, khởi nguồn của ba tôn giáo lớn: đạo Cơ đốc, đạo Hồi và đạo Do Thái. Theo đài BBC, từ “Jerusalem” luôn là âm thanh vang lên trong trái tim nhiều người theo Cơ đốc giáo, đạo hữu Do Thái và người Hồi giáo, vùng đất nơi cả ba tôn giáo chia sẻ lịch sử và xung đột trong nhiều thế kỷ.

Lịch sử lâu đời

Được biết đến trong tiếng Hebrew (ngôn ngữ của người Israel) là Yerushalayim, hay trong tiếng Ảrập là al-Quds, Jerusalem là một trong những thành phố cổ nhất thế giới. Thành phố từng nhiều lần bị chiếm đóng, tàn phá và rồi lại được tái thiết và mỗi lớp đất của nó lại ẩn chứa một mảnh ghép khác của lịch sử.

Mặc dù Jerusalem thường được nói tới như một vùng đất của chia rẽ và xung đột giữa những đạo hữu thuộc các tôn giáo khác nhau, họ đều thống nhất ở một điểm là luôn coi đây là vùng đất thiêng của mỗi người.

Ở trung tâm thành phố, các lối đi nhỏ cùng công trình kiến trúc đã chia khu vực này thành bốn khu: Khu Cơ đốc, khu đạo Hồi, khu Do Thái và khu người Armenia. Mỗi khu này được bảo vệ bởi những bức tường đá như pháo đài, là những địa điểm tôn giáo thuộc hàng linh thiêng nhất thế giới.

Khu Cơ đốc

Mỗi khu có dân số và tín hữu riêng. Khu Cơ đốc thực ra có hai nhóm cư dân, bởi nhóm người Armenia cũng theo Cơ đốc giáo. Khu Armenia nhỏ nhất trong số bốn khu.

Bên trong khu Cơ đốc là Nhà thờ Mộ Thánh, một địa điểm tôn giáo cực kỳ quan trọng đối với người theo đạo Cơ đốc toàn thế giới. Nơi đây được cho là địa điểm chúa Jesus được mai táng và đã sống lại sau 3 ngày. Nhà thờ là nơi gắn với câu chuyện của Jesus, từ cái chết của ông, việc bị đóng đinh lên thánh giá và sự hồi sinh.

Nhà thờ Mộ Thánh của Cơ đốc giáo (Ảnh: wikipedia)

Theo lời nhiều tín đồ Cơ đốc giáo, chúa Jesus đã bị hành hình trên đồi Calvary. Nhà thờ được một hội đồng thuộc các chi nhánh Cơ đốc giáo, từ từ Chính thống giáo Hy Lạp, Nhà thờ La Mã, nhánh Ethiopia, Chính thống giáo Syria… điều hành. Đây cũng là một trong những địa điểm hành hương của nhiều triệu người Cơ đốc giáo khắp nơi trên thế giới, cả đời luôn muốn được một lần đến thăm ngôi mộ trống không của chúa Jesus, tìm kiếm sự cứu rỗi nơi chúa.

Nhà thờ Hồi giáo

Khu Hồi giáo có diện tích lớn nhất trong số bốn khu, nơi có các khu lăng mộ thiêng của người Hồi giáo. Nhà thờ Hồi giáo ở đây được xem là linh thiêng thứ ba trong các địa điểm thiêng liêng của giáo phái. Người Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Muhammad đã đến đây từ thánh địa Mecca (Ảrập Xêút) trong chuyến đi đêm của ông và cùng cầu nguyện với linh hồn các nhà tiên tri khác. Ở đây có thánh đường Dome of the Rock, nơi có hòn đá mà người Hồi giáo tin rằng nhà tin tri Muhammad từ đây đã bay lên thiên đường.

Tín đồ đạo Hồi viếng thăm đất thiêng này trong suốt năm, nhưng cứ vào thứ Sáu trong tháng lễ Ramadan, hàng trăm ngàn người Hồi giáo đến đây cầu nguyện.

Khu Do Thái

Khu Do Thái là nơi có Kotel, hay còn gọi là Bức tường phía Tây, bao bọc vùng đồi nơi từng tồn tại đền thiêng của người Do Thái. Đây là khu vực quan trọng nhất của người theo Do Thái giáo.

Người Do Thái tin rằng đây là địa điểm có hòn đá thánh, từ đó thế giới được kiến tạo, nơi tộc trưởng Abraham chuẩn bị các bước để hiến sinh con trai ông là Isaac. Ngày nay, Bức tường phía Tây là nơi gần nhất các đạo hữu Do Thái giáo đến cầu nguyện các vị chúa trời. Hàng năm, có hàng triệu du khách viếng thăm nơi này. Người Do Thái khắp nơi trên thế giới đổ về đây cầu nguyện.

Theo tờ USA Today, Jerusalem từng bị chiếm đóng ít nhất 20 lần. Rất nhiều quốc gia và đế chế từng tuyên bố sở hữu vùng đất này. Ba tôn giáo kể trên cũng coi Jerusalem là đất thiêng của riêng họ. Từ năm 3000 tới năm 2500 trước Công nguyên, thành phố bị các bộ tộc ngoại giáo chiếm đóng.

Năm 1000 trước Công nguyên, vua David chiếm đóng thành phố. Người ta cảnh báo ông rằng “cả người mù, người què ở đó cũng chống lại ông”. Năm 960 trước Công nguyên, con trai David là Solomon xây dựng đền thờ Do Thái đầu tiên.

Năm 586 trước Công nguyên, binh lính Babylon chiếm giữ Jerusalem, phá hủy đền thờ Do Thái và đuổi nhiều người Do Thái khỏi đất này.

Năm 516 trước Công nguyên, vua Cyrus cho phép người Do Thái quay về Jerusalem và họ xây dựng ngôi đền thứ hai…

Năm 1948, Nhà nước Israel được thành lập, chia thành phố thành 2 phần, một thuộc Israel, phần còn lại thuộc Jordan. Năm 1967, Israel chiếm lại khu đông Jerusalem và ngay lập tức cho sáp nhập vào lãnh thổ của mình, cho phép người Palestine quyền cư trú, nhưng không trao quyền công dân.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.