| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt?

Thứ Năm 26/07/2018 , 08:30 (GMT+7)

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác chuyên môn.

Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân khai thác ven bờ còn tồn tại nhiều bất cập.
 

Trăn trở của ngư dân

Hiện đa số những trường hợp sinh sống bằng bằng nghề khai thác thủy sản ven bờ đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu tư liệu sản xuất, cuộc sống nương nhờ vào những chuyến biển nên rất bấp bênh. Đối với họ, việc có chỗ ở ổn định, có công ăn việc làm để phát triển kinh tế gia đình luôn là mơ ước lớn.

08-44-42_nguoi_dn_dung_ct_choi_tm_ti_cc_cu_bien_de_dng_bt_thuy_sn_ven_bo
Người dân dựng cất chòi tạm tại các cửa biển để đánh bắt thủy sản ven bờ

Chia sẻ nỗi niềm với chúng tôi, ông C.V.P, 55 tuổi, ngụ huyện Năm Căn tâm tình: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải bám biển để mưu sinh từ nhiều năm nay. Giờ tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước, bản thân tôi luôn tha thiết có được nơi ăn, chốn ở ổn định để làm ăn, phát triển kinh tế. Chứ giờ ra biển tôi cũng cảm thấy chùn chân”.

Để nắm bắt tình hình khai thác thủy sản ven bờ, chúng tôi có chuyến khảo sát tại cửa biển Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển). Nơi đây có hàng chục chòi lá tạm bợ được dựng cạnh bìa rừng để hành nghề đăng bắt cá kèo giống, đặt lú, đóng đáy… Hỏi ra mới biết, cứ bước vào mùa mưa là bà con tại nhiều địa phương tập hợp tại đây để khai thác nguồn lợi từ tự nhiên.

Tại cửa biển có sóng to, gió lớn, chúng tôi chứng kiến hình ảnh nhiều thanh, thiếu niên đang lặn ngụp dưới biển khơi để đóng đáy (loại lưới dùng để bắt cá, tôm ven biển). Nếu chẳng may dông bão ập đến thì không biết họ trở tay như thế nào.

Anh L.V.T 40 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời làm nghề đóng đáy tại cửa Vàm Lũng, bày tỏ: “Gia đình cũng sợ lắm, nhưng do ở đây làm ăn được nên cũng cố trụ lại để kiếm tiền. Chúng tôi ra đây dựng chòi tạm để đăng cá kèo giống”.

Ông Lê Văn Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Năm Căn cho biết: “Hiện tại ở địa phương chỉ có một số trường hợp sử dụng phương tiện thủy gia dụng để khai thác ven bờ. Chúng tôi đã tuyên truyên, vận động họ không nên ra biển nhưng chưa mang lại hiệu quả. Bởi đây là những hộ khó khăn, sinh sống ở các khu vực ven rừng hoặc những khu vực không có cơ sở làm ăn”.

Tuy nhiên, về chuyển đổi ngành nghề cho những đối tượng này, ông Khởi trăn trở: “Hiện tỉnh cũng đang có hướng chuyển đổi công việc cho bà con, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Bởi muốn chuyển đổi thì phải có cơ chế để hỗ trợ cho người dân. Nhưng hiện tại, địa phương chưa có nguồn kinh phí”.
 

Đâu là giải pháp căn cơ?

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt, trao đổi với ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, được biết đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, sâu rộng trong nhân dân. Cùng với đó, đơn vị sẽ tranh thủ, vận động người dân cùng chung tay thả giống để tái tạo nguồn lợi.

08-44-42_nhieu_phuong_tien_thuy_gi_dung_r_bien_dnh_bt_rt_nguy_hiem
Nhiều phương tiện thủy gia dụng ra biển đánh bắt rất nguy hiểm

“Ngoài những hình thức tuyên truyền trên loa phát thanh, tờ rơi, pano, áp phích… chúng tôi đang có ý tưởng tuyên truyền qua tin nhắn điện thoại. Sắp tới, đơn vị sẽ ký kết hợp đồng với nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ và chúng tôi sẽ cung cấp cho họ danh sách chủ tàu, thuyền trưởng, số điện thoại để họ nhắn tin vào đó. Nội dung ngắn gọn, là những điểm nóng về ngành thủy sản”, ông Triều nói và cho biết thêm, hướng tới, đơn vị sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chỉ đạo các ngành đoàn thể tham cùng tham gia công tác này.

Theo đại diện Chi cục Thủy sản Cà Mau, sắp tới đơn vị này sẽ tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh, đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển theo hướng đồng quản lý hoặc theo hình thức HTX. Từ đó, để người dân hiểu được trách nhiệm của mình mà đưa ra phương án khai thác phù hợp. Tuy nhiên, muốn làm được thì cần phải có kinh phí, lộ trình và thời gian.

“Chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp nuôi cá bớp lồng bè theo công nghệ Na Uy tại khu vực ven biển. Hiện đã có dự án sinh sản giống cá bớp nhân tạo, cơ bản bước đầu mang lại hiệu quả, đang trong giai đoạn thả nuôi và tỷ lệ sống rất cao. Đây là mô hình mà địa phương định hướng theo chiến lược lâu dài”, ông Triều thông tin.

Được biết, Chi cục Thủy sản Cà Mau đang có đề án thả rạn nhân tạo để phục hồi hệ sinh thái biển. Dự án này đang nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Thái Lan. “Chúng tôi đã được Thái Lan mời sang xem, học tập kinh nghiệm về cách làm và đang chuẩn bị thả thí điểm rạn nhân tạo, ở một số vùng biển ven bờ, nhằm mang tính chất tái tạo nguồn lợi thủy sản”, ông Triều thông tin thêm.

08-44-42_vi_cuoc_song_tre_em_cung_theo_gi_dinh_r_cu_bien
Vì cuộc sống, trẻ em cũng theo gia đình ra cửa biển sinh sống

Cũng theo ông Triều, việc thả rạn nhân tạo nhằm tạo ra chỗ trú ẩn, tập trung, dẫn dụ cá vào đó, lâu ngày, nó sẽ thành rạn. Những cục rạn này được thiết kế bằng bê tông cốt thép và được đúc thành khối lập phương rỗng. Theo đó, khi thả rạn xuống đáy biển, các loài thủy sản sau đó vào đó trú ẩn, nếu muốn bắt chúng cũng rất khó. Đây có thể xem là giải pháp căn cơ, nhằm cứu nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc đánh bắt của người người dân không tuân thủ theo quy định của Nhà nước.

“Có thể nói, nghề cá của Cà Mau được hình thành từ rất lâu, sản xuất theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, muốn chuyển sang nghề cá công nghiệp, hiện đại, bền vững thì cần phải có lộ trình, có bước đi vững chắc”, ông Triều nhận định.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm