| Hotline: 0983.970.780

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Thứ Ba 23/04/2024 , 14:03 (GMT+7)

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.

Các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trong đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trong đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Sáng 23/4, chúng tôi có mặt tại khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Nơi đây đang điều trị cho các nạn nhân may mắn sống sót trong vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 10 người thương vong.

Gương mặt vẫn còn thất thần, buồn rầu nằm trên giường bệnh, anh Nông Văn Tuân (ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình) tâm sự, ekip hôm đó (chiều 22/4) gồm 10 người tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng máy nghiền theo định kỳ của nhà máy.

Anh Tuân kể lại câu chuyện với phóng viên. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Tuân kể lại câu chuyện với phóng viên. Ảnh: Thanh Tiến.

Buổi sáng mọi người vẫn đi làm cùng nhau, nói chuyện vui vẻ, sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, đến 12h30 ngày 22/4, Tuân cùng 9 công nhân tiến hành bảo dưỡng định kỳ máy số 3 (1 trong 4 máy nghiền tại đây). Theo phân công từ trước, 7 người vào trong lồng máy thay các tấm lát bị mòn, còn 3 người gồm Tuân và anh Phạm Minh Dương (27 tuổi, ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình), anh Phạm Ngọc Long (43 tuổi, ở xã Việt Cường, huyện Trấn Yên) được phân công ở phía ngoài vặn ốc vít.

Như thường lệ, một người trong nhóm thông báo bộ đàm về trung tâm điều khiển để ngắt nguồn điện cấp cho máy. Khi có hiệu lệnh xác nhận, nhóm mới bắt tay sửa chữa.

Khoảng 25 phút sau khi nhóm bắt đầu công việc, máy nghiền bất ngờ hoạt động trở lại. Hàng ngàn viên bi sắt bên trong văng tung toé ra ngoài. Ba công nhân trên nóc máy bị văng ra ngoài từ độ cao 5 m xuống đất. Tuân bị trẹo chân, trong khi anh Long và anh Dương bị thương nặng, nằm im tại chỗ.

Sau giây phút hoảng hồn, lúc đó nghĩ tới 7 đồng nghiệp vẫn còn ở trong khoang máy, Tuân bật dậy, nhảy lò cò tới phòng điều khiển cách đó chừng 20 m để ngắt điện. “Sự việc diễn biến quá nhanh. Phòng điều khiển lúc này không có người, nút bấm lại quá nhiều nên thấy nút nào màu xanh thì ấn. Được một lúc thì thấy lồng máy chạy chậm dần rồi dừng hoạt động”.

Đến giờ vẫn không biết vì sao máy hoạt động trở lại. Nửa phút sau khi xảy ra sự cố, máy dừng hoạt động song những người bên trong đều tử vong dưới sức ép của máy”, Tuân nén nỗi đau kể lại.

Vẫn giọng buồn, Tuân tâm sự tiếp, mấy anh em trong ekip đội vận hành, bảo trì đều chơi với nhau rất thân, mình may mắn còn sống sót, nhưng đến giờ vẫn rất hoảng loạn, cả đêm không thể chợp mắt được vì thương các anh em xấu số.

Nằm phòng bên cạnh với tay chân đang bó bột, anh Phạm Ngọc Long nói “chỉ muốn quên đi hết ngày hôm qua”. Trước khi máy nghiền hoạt động, anh Long được người trực ca giao đứng trên nóc chờ đồng nghiệp đẩy ốc từ bên trong ra để bắt vít. Khi mới lắp được hơn chục tấm lát, máy hoạt động trở lại, đẩy anh cùng Tuân, Dương xuống đất.

Bị thương nặng nhưng anh vẫn kịp gượng dậy hô hai tiếng “tắt máy”, rồi nằm bất tỉnh. Vài phút sau, người trong nhà máy có mặt tại hiện trường và đưa ba người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.

Với kinh nghiệm hơn 4 năm trong nghề sửa chữa cơ khí, anh Long nói “chỉ cần máy nghiền quay một vài giây cũng đã chết người rồi, chứ không nói gì 30 giây”.

Trong số 3 người bị thương, anh Dương bị gẫy chân và rạn cột sống, hiện đang điều trị. Khi chúng tôi có mặt tại bệnh viện, người nhà nạn nhân cho biết, cả đêm qua bệnh nhân tinh thần hoảng hốt, không ngủ được, mới chợp mắt được một lúc do mệt quá.

Các nạn nhân đang được trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Thanh Tiến.

Các nạn nhân đang được trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, UBND tỉnh Yên Bái quyết định hỗ trợ 18 triệu cho mỗi gia đình nạn nhân tử vong để lo hậu sự và 4 triệu đồng cho mỗi người bị thương đang điều trị tại bệnh viện.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân tai nạn, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân, đồng thời rà soát kỹ quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm xi măng, kịp thời khắc phục hạn chế.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm hỏi các nạn nhân tại bệnh viện. 

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm hỏi các nạn nhân tại bệnh viện. 

Về phía Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái cho biết, đơn vị quyết định hỗ trợ ban đầu cho mỗi nạn nhân thiệt mạng toàn bộ chi phí mai táng và 200 triệu cho mỗi gia đình nạn nhân. Ngoài ra cam kết trợ cấp cho các con của mỗi nạn nhân 5 triệu đồng/tháng, cho đến khi đủ 18 tuổi.

Đối với các công nhân bị thương, Công ty hỗ trợ mỗi công nhân 50 triệu đồng.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm