Trong tháng 8/2016, Cty TNHH An Phú Nông (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã tổ chức trình diễn liên tiếp 2 điểm hội thảo 2 giống ớt chỉ thiên là Korea 27 và APN 139 tại ấp Bình Qưới Hạ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang với trên 200 nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự.
Ông Nguyễn Văn Thiền ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh chia sẻ, trên thị trường có rất nhiều giống ớt chỉ thiên dùng xuất khẩu nhưng không phải giống nào cũng tốt, bán được giá. Thế nên, khi được Cty An Phú Nông giới thiệu trồng thử giống ớt chỉ thiên Korea 27 ban đầu ông còn ái ngại, vì chưa biết hiệu quả của giống ớt này mang lại thế nào, nhưng sau khi áp dụng trồng thử trên diện tích 1,5ha của mình, nay đang bước vào giai đoạn thu hoạch thì thấy ưu điểm mang lại nổi trội.
“Từ lúc xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch, tôi thấy giống ớt này có dạng cây rất khoẻ, sinh trưởng đồng đều, cho trái nhiều. Khi trái chín có màu sắc đẹp, vỏ dày, cứng, mùi cay nồng rất được thương lái ưa chuộng thu mua để xuất khẩu”, ông Thiền đúc kết nói.
Còn bà Nguyễn Thị Nhỏ ở xã Bình Ninh phấn khởi cho biết, bà trồng giống ớt APN 139 trên diện tích 6.000m2 từ một năm nay. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của nhân viên Cty hướng dẫn, đến nay thu hoạch đạt nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, khi sử dụng giống ớt chỉ thiên APN 139 sẽ hạn chế được sâu bệnh, bên cạnh đó còn giảm được 30 - 40% lượng phân bón hữu cơ, từ đó giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận.
“Giá ớt hiện đang xuống còn 16 - 17 ngàn đồng/kg so với đầu vụ tháng 7/2016 là 45 ngàn đồng/kg, tuy nhiên theo ước tính sau khi thu hoạch dứt điểm, tôi vẫn có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/công”, bà Nhỏ khẳng định.
Nông dân hài lòng với giống ớt lai APN 139
Theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo, toàn huyện đang có 600ha ớt thì riêng xã Bình Ninh đã có tới gần 500ha, chiếm 90% diện tích đất trồng hoa màu của xã. Trong đó nông dân trồng tập trung chính là giống ớt lai F1 chỉ thiên Korea 27 và APN 139. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế, trồng ớt có hiệu quả cao gấp 3 lần trồng lúa. Nhờ mô hình trồng ớt, mà nhiều hộ gia đình ở xã Bình Ninh đã thoát nghèo bền vững.