Ngày 20/12, tại Lào Cai, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức “Hội nghị triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản quốc gia theo quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Phùng Quang Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh, vai trò quan trọng của quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ trong việc định hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tại Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của quặng apatit trong sản xuất phân bón chứa lân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, các nhà máy sử dụng quặng apatit trong nước đang gặp khó khăn bởi nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường và những rào cản trong việc triển khai quy trình cấp phép và khai thác quặng…
Sai lệch vị trí khai trường
Theo ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam thuộc Tập đoàn có kinh nghiệm trong công tác quản lý kỹ thuật, tổ chức thực hiện thăm dò nâng cấp trữ lượng phục vụ quá trình khai thác, công tác khai thác đã được đầu tư thiết bị cơ giới có năng suất cao.
Công ty hiện là đơn vị duy nhất trong cả nước đang quản lý, vận hành 3 nhà máy tuyển quặng, có kinh nghiệm cao trong lĩnh vực tuyển. Tuy nhiên, khi thực hiện quy hoạch 866 gặp không ít khó khăn. Trong đó, công suất khai thác trong quy hoạch 866 chưa phù hợp với công suất khai thác trong các giấy phép đã được cấp
Tại khai trường 23, khi lập dự án, công ty chỉ huy động cấp trữ lượng vào thiết kế khai thác mỏ khối lượng 865.435 tấn, thấp hơp so với trữ lượng trong quy hoạch 866 là 1.348.724 tấn, do công ty không được phép đưa khoáng sản cấp tài nguyên vào thiết kế.
Đặc biệt, toạ độ ranh giới khai trường theo quy hoạch 866 và với ranh giới khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản có sai lệch.
Ngoài ra, khu vực có quặng apatit nhưng lai không nằm trong quy hoạch 866 và không nằm trong quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 về quy hoạch vùng khoáng sản dự trữ quốc gia.
Mặt khác, các khai trường hiện nay đều thiết kế khai thác đáy mỏ đến cos 75m trở lên, để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn của công ty và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, việc chuẩn bị thiết kế khai thác các khai trường đã được cấp phép đến cos 00 là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, tài liệu địa chất từ đáy mỏ đến cos 00 của các khai trường này là chưa đủ điều kiện để lập dự án khai thác và nhiều khai trường không có trong kế hoạch thăm dò theo quy hoạch 866.
Quy trình và thủ tục xin cấp phép thăm dò nâng cấp trữ lượng, gia hạn giấy phép khai thác và xin giấy phép khai thác cần nhiều thời gian…
Với những khó khăn trên gây nguy cơ thiếu hụt nguồn quặng apatit nguyên khai để duy trì hoạt động của các nhà máy tuyển, thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất chứa lân của Tập đoàn và cả nước.
Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của gần 10.000 người lao động của các công ty liên quan trong Tập đoàn.
Chất lượng quặng giảm, nguồn cung thiếu hụt
Cũng theo ông Phùng Ngọc Bộ, nguyên liệu quặng III cơ bản sử dụng quặng III kho lưu nghèo và khó tuyển, dẫn đến hiệu quả tuyển giảm. Nguồn quặng III đang quản lý rất hạn chế, từ năm 2025 rất khó đáp ứng được cho các nhà máy tuyển sản xuất đạt công suất thiết kế.
Trong khi đó, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem sử dụng quặng tuyển từ Nhà máy tuyển Tằng Loỏng của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. Thực tế qua các năm, chất lượng quặng đầu vào phục vụ sản xuất ngày càng suy giảm.
Ông Vũ Việt Tiến, Giám đốc Công ty CP DAP số 2 - Vinachem cho rằng, hàm lượng P2O5 trong quặng giảm và hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại (Fe2O3, Al2O3, MgO,...) trong quặng có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty.
Ông Tiến dẫn chứng, chất lượng quặng xấu làm cho hệ thống đường ống, thiết bị nhanh bị bám tắc, ăn mòn, gây hư hỏng, suy giảm tuổi thọ thiết bị, rút ngắn thời gian vận hành hệ thống.
Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng thêm do tăng định mức, giảm công suất, sửa chữa thiết bị.... Để có thể ổn định sản xuất, Công ty DAP số 2 - Vinachem đã phải thực hiện phối trộn các nguồn quặng khác nhau để trung hòa, ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào, do đó đã phải sử dụng thêm nguồn quặng từ Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn để phối trộn với quặng tuyển của Nhà máy tuyển Tằng Lỏong, việc này làm phát sinh thêm chi phí vận chuyển.
Về phía Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho rằng, việc duy trì nhà máy tuyển hết sức khó khăn vì hết năm 2024 việc đáp ứng nguồn nguyên liệu quặng III cung cấp cho các nhà máy tuyển chỉ còn lại khoảng 30,5 triệu tấn.
Từ năm 2026, nguồn quặng III kho lưu hết, chỉ còn khai thác với công suất rất khiêm tốn là 1,4 triệu tấn. Trong khi, công ty cũng không đủ cơ sở nguyên liệu để xây dựng nhà máy tuyển quặng II vì lượng, công suất thấp.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, công ty khó đáp ứng đủ nhu cầu quặng cho các đơn vị trong tập đoàn, đặc biệt là quặng III. Và mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp về công nghệ song dự kiến từ năm 2037 - 2040 sẽ hết cả 3 nguồn quặng loại I, II, III.