| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng trên đỉnh cao ngàn mét

Thứ Tư 26/04/2017 , 14:05 (GMT+7)

Gần 24.000 ha rừng đặc dụng ở xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão (Bình Định) có rất nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm, đây chính là những miếng “mồi ngon” của lâm tặc.

Thế nhưng khi được cả cộng đồng chung tay bảo vệ, dù có "thèm" đến mấy lâm tặc cũng không dám xâm hại rừng. Nhờ đó, rừng đặc dụng An Toàn đã thực sự an toàn.
 

23 con người và sức mạnh của hàng trăm hộ dân

Đứng trên đỉnh đồi cao khoảng 900 mét so với mặt nước biển, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng (BQL RĐD) An Toàn, chỉ tay về phía chân mây in những dãy núi lờ mờ. 

Ông nói: “Anh cứ nhìn ngút tầm mắt thì nơi đó mới mới hết ranh giới của RĐD An Toàn. Gần 24.000 ha rung giáp ranh với huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), KBang (Gia Lai) và các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão (Bình Định). Ấy vậy mà lực lượng của BQL RĐD An Toàn chỉ có 23 người, trong đó lực lượng QLBVR chuyên trách chỉ 15 người, còn lại là bộ phận gián tiếp. Anh cứ thử làm phép tính chia tổng diện tích rừng cho 15 người thì ra ngay đáp số mỗi người phải quản lý bảo vệ đến gần 2.000 ha rừng”.

15-42-52_nh-box-2
Gia đình bà Đinh Thị Lớp luôn tham gia tích cực trong công tác BVR

Bài toán chia của ông Nam làm tôi bất chợt hỏi: “Vậy các anh bảo vệ rừng kiểu nào mà mấy năm nay lâm tặc không dám bén mảng vào rừng đặc dụng, nơi còn đầy những cây gỗ và loài thú quý hiếm?”. Ông Nam nói ngay: “Chúng tôi chỉ có 23 con người nhưng lại có sức mạnh của 210 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Công tác BVR ở đây hầu như đã được xã hội hóa. Xã An Toàn có 800 nhân khẩu/3 thôn thì ngoài trẻ nít, còn lại ai cũng là nhân tố BVR tích cực”.

Theo ông Nam, ngoài lực lượng QLBVR chuyên trách, tại mỗi thôn đều được thành lập 1 tổ QLBVVR gồm 10 thanh niên cường tráng, có ý thức BVR tốt để thường xuyên phối hợp với lực lượng chuyên trách đi tuần tra, kiểm tra rừng. Mỗi đợt tuần tra rừng kéo dài đến 10 ngày, nhưng không một thành viên nào từ chối, với mong muốn những cánh rừng được yên tĩnh để lâm sản dưới tán rừng càng sinh sôi nhiều thì họ càng có thêm thu nhập.

Trưởng trạm QLBVR An Toàn 3, ông Nguyễn Phước Thiện, năm nay 50 tuổi thì ông Thiện đã có đến 25 năm ăn cùng ở cùng với đồng bào thôn 1 (xã An Toàn) để cùng nhau BVR. Ông Thiện kể: “Tính cộng đồng của đồng bào ở đây rất cao, khi họ đã ý thức được việc BVR chính là bảo vệ cuộc sống của họ thì những khi họ đi làm rẫy, thấy có người lạ thâm nhập vào rừng, hoặc thấy có biểu hiện xâm hại rừng là họ lập tức báo cáo ngành chức năng ngay”.

“Ở trạm không phải chỗ nào cũng có sóng điện thoại, chúng tôi phải chọn điểm cao thường có sóng, đóng 1 cái hộp gỗ trên cao để vào đó chiếc điện thoại có tiếng chuông to nhất để lúc nào cũng có thể nhận được tin báo của người dân. Ngay trạm barie chúng tôi gắn 2 camera để ghi lại hình ảnh lâm tặc manh động khi bị chặn bắt gỗ khai thác trái phép khi qua trạm để sau đó làm việc với công an”, ông Lê Quang Thọ, Trưởng trạm QLBVR An Toàn 1, người giữ chốt chặn con đường độc đạo từ xã An Toàn về miền xuôi cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc BQLRĐD An Toàn, nhờ cộng hưởng sức mạnh của người dân nên mấy năm qua rừng đặc dụng An Toàn đã được bảo vệ an toàn, không hề xảy ra vụ phá rừng nào.
 

Giữ rừng như giữ của

Rừng đã cho người dân xã vùng cao An Toàn có được đời sống ổn định, thậm chí có hộ còn dư dả cho con đi học đại học, trong nhà sắm 2-3 chiếc xe máy từ nguồn hỗ trợ khoán QLBVR và thu lâm sản phụ dưới tán rừng. Nếu không có rừng thì nhiều hộ không có được cuộc sống như hôm nay.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc BQL RĐD An Toàn, 210 hộ dân ở xã An Toàn đều nhận giao khoán QLBVR, mỗi hộ 30 ha, nguồn thu từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước bình quân 40 triệu đồng/hộ/năm. Không chỉ vậy, những năm gần đây nhờ rừng An Toàn được bảo vệ tốt nên lâm sản dưới tán rừng cũng nhiều hẳn lên, thu nhập của người dân từ lâm sản phụ cũng tăng theo.

Lâm sản dưới tán rừng cũng rất phong phú, từ tháng 3 đến 6 dương lịch hằng năm bà con ở đây nô nức khai thác mật ong rừng. Chưa cân đo đong đếm, nhưng ước tính sản lượng mật ong rừng thu hoạch mỗi vụ ở An Toàn đạt đến 2.000-3.000 lít. Anh Đinh Văn Trang, Trưởng Công an xã An Toàn, dù bộn bề công việc cơ quan nhưng vào những ngày nghỉ anh cũng mang gùi lên rừng đi lấy mật để tạo thêm thu nhập cho gia đình.

 “Tùy vùng rừng có nhiều hay ít hoa mà trữ lượng mật ong trong mỗi tổ ong có khác nhau, nhưng tổ ong nào cho ít nhất cũng được 5 lít mật, phần nhiều là trên 10 lít/tổ. Riêng vùng rừng ở thôn 3 là tổ ong cho nhiều mật nhất, từ 12 -15 lít/tổ. Hiện nay giá mật ong rừng ở An Toàn được bán từ 250- 300.000đ/lít. Nhà nào có nhiều thanh niên leo cây giỏi thì sẽ có thu nhập cao từ mật ong rừng”, anh Trang cho hay.

Không chỉ có mật ong, người dân An Toàn còn quanh năm thu hoạch mây để cung ứng cho các cơ sở đan lát và trái mây cung ứng cho cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ; hoặc thu hoạch lá nón, trái ư, trái sim, riêng loại lan kim tuyến hiện có giá đến 1,3 triệu đồng/kg.

Chị Đinh Thị Huynh (48 tuổi), 1 nách 2 con nhưng nhờ nguồn thu từ rừng chị đã có thể nuôi nấng 2 con nên người, cậu anh trai học đến bậc đại học, cô em đang học cao đẳng. Chị Huynh phấn khởi kể: “Mình làm ruộng mỗi năm thu được 20 bao lúa, đủ ăn quanh năm. Rẫy trồng mì gòn làm rượu ghè, tháng nào cũng làm 10 ché ai mua thì bán, còn thừa làm thức ăn nuôi heo nuôi bò. Tiền thu được từ nhận khoán bảo vệ rừng mình để dành cho con đi học. Thằng lớn vừa tốt nghiệp Đại học Nông lâm, đang xin việc, con gái nhỏ thì đang học cao đẳng nghề ở thị xã An Nhơn”.

Gia đình bà Đinh Thị Lớp ở thôn 1 luôn tham gia tích cực trong công tác BVR, thường xuyên nhận được giấy khen của chính quyền địa phương và BQL RĐD An Toàn. Bà Lớp khẳng định: “Đời sống đồng bào mình ổn định là nhờ rừng, giữ rừng bây giờ là giữ miếng ăn cho con cháu sau này, rừng mà mất là bà con mất cái ăn ngay”.

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm