| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát

Thứ Năm 14/10/2021 , 18:01 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn đang có chiều hướng tái bùng phát tại một số địa phương. Hà Nội cũng vừa ghi nhận nhiều ổ dịch ở huyện Ba Vì.

Dịch xuất hiện tại 15 xã

Theo Phòng kinh tế huyện Ba Vì, từ ngày 2/10, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 2 xã Tản Hồng và Chu Minh. Sau đó, các địa phương khác cũng lần lượt ghi nhận tình trạng lợn mắc bệnh. Hiện đã có 15 xã của huyện Ba Vì báo cáo có lợn mắc bệnh, số lợn phải tiêu hủy hơn 600 con.

Chị Vũ Thị Oanh ở thôn Chu Quyến 1, xã Chu Minh (Ba Vì), đang đứng ngồi không yên khi đàn lợn 200 con có nguy cơ mất trắng do DTLCP. Ảnh: Trung Quân.

Chị Vũ Thị Oanh ở thôn Chu Quyến 1, xã Chu Minh (Ba Vì), đang đứng ngồi không yên khi đàn lợn 200 con có nguy cơ mất trắng do DTLCP. Ảnh: Trung Quân.

Ông Hứa Bá Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, mặc dù số lượng xã có lợn nhiễm bệnh nhiều, tuy nhiên, mỗi xã chỉ xuất hiện lác đác tại một số hộ chăn nuôi. 

Bước đầu, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân bùng phát dịch do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ dân trong khu dân cư cao (trên 60%), nhiều hộ nuôi chưa đảm bảo công tác vệ sinh chuồng trại, an toàn dịch bệnh...

Cộng thêm giá lợn đang ở mức thấp (32.000 - 35.000 đồng/kg), trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng dẫn đến tâm lý buông lỏng trong việc chăm sóc đàn lợn của người dân. Bên cạnh đó, thời tiết đang chuyển mùa là điều kiện thuận lợi dịch bệnh phát sinh, lây lan.

“Thời gian tới, nếu không thực hiện đầy đủ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng là rất lớn”, ông Hứa Bá Trình cho hay.

Để khống chế dịch, UBND huyện Ba Vì đã khẩn trương chỉ đạo, yêu cầu tất cả các xã tập trung rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi và tổng số đàn lợn trên địa bàn. Thực hiện ký cam kết với các hộ, tuân thủ nghiêm “5 không”: Không giấu dịch; không mua, bán lợn mắc bệnh, sản phẩm lợn mắc bệnh; không bán chạy lợn mắc bệnh; không vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch và không vứt xác lợn ốm chết ra môi trường.

Các hộ chăn nuôi khẩn trương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: Trung Quân.

Các hộ chăn nuôi khẩn trương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: Trung Quân.

Huyện Ba Vì cũng đã thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương, xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Đối với các xã có dịch, duy trì và thành lập các chốt kiểm soát dịch để phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý các trường hợp vận chuyển lợn ra vào địa bàn. Thực hiện tiêu độc, khử trùng đường làng, ngõ xóm và những nơi có nguy cơ cao như chợ, bãi rác. Tiến hành cấp, phát thuốc cho các hộ để phun, khử khuẩn tại khu vực chăn nuôi của gia đình mình. Đặc biệt là các hộ chăn nuôi trang trại có quy mô lớn.

Đối với các xã chưa có dịch, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Khi phát hiện lợn của các hộ có hiện tượng ốm, chết phải thực hiện lấy mẫu ngay, gửi về Trạm thú y để đưa đi xét nghiệm...

Bên cạnh đó, UBND huyện đã đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội hỗ trợ 3.000 lít thuốc sát trùng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã đang bị phát sinh dịch bệnh, vùng nguy cơ cao. Sở NN-PTNT Hà Nội đã đồng ý cho huyện Ba Vì triển khai sớm kế hoạch tổng vệ sinh môi trường...

Ông Hứa Bá Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho hay: Tính đến tháng 9/2021, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện hơn 293.000 con. DTLCP bùng phát đúng thời điểm nông dân đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, cũng như chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho các tháng cuối năm 2021, nhất là dịp tết Nguyên đán.

Vừa hết dịch Covid, lại tới dịch tả lợn

Ghi nhận tại một số xã trên địa bàn huyện Ba Vì, người dân đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. 

Bà Hoàng Thị Hương, thôn Cao Cương, xã Đông Quang buồn bã cho biết, hiện toàn hệ thống chuồng nuôi của gia đình đã không còn lợn. Bà tiến hành rắc vôi bột tiêu độc khử trùng, một số chuồng nuôi bà tháo cửa chắn để bán vì thời gian tới không còn đủ sức để vào đàn...

Bà Hoàng Thị Hương, thôn Cao Cương, xã Đông Quang bán bớt các khung sắt chia ô nuôi lợn, vì thời gian tới sẽ không đủ khả năng vào đàn. Ảnh: Trung Quân.

Bà Hoàng Thị Hương, thôn Cao Cương, xã Đông Quang bán bớt các khung sắt chia ô nuôi lợn, vì thời gian tới sẽ không đủ khả năng vào đàn. Ảnh: Trung Quân.

Từ đầu tháng 10 đến nay, gia đình bà báo với chính quyền địa phương tiêu hủy 26 con lợn nhiễm bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn trước khi có công bố dịch, lợn của gia đình bà đã có biểu hiện ốm chết, hiện tượng xảy ra lác đác nên bà đã chủ động đem lợn đi chôn, không bán ra thị trường.

“Không nghĩ là đàn lợn nhà mình mắc bệnh DTLCP vì mình cũng rất cẩn thận, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư cả vào đàn lợn 130 con, vậy mà giá lợn hơi ở mức thấp nên bán chẳng ăn thua. Giờ lại gặp dịch phải tiêu hủy hết, nghĩ đến các khoản nợ cám, giống chưa trả mà mất ăn, mất ngủ”, bà Hương thở dài.

Chị Vũ Thị Oanh ở thôn Chu Quyến 1, xã Chu Minh cho biết, gia đình anh chị như đang ngồi trên đống lửa, khi đàn lợn vẫn tiếp tục có con mắc bệnh. Từ đầu tháng 10 đến nay, gia đình chị đã phải tiêu hủy 28 con lợn với trọng lượng từ 1 - 1,3 tạ/con. Hiện tại, trong chuồng nuôi còn gần 200 con, hiện tượng lợn mắc bệnh vẫn đang tiếp diễn. Gia đình chị rất lo lắng, nguy cơ mất trắng cả 200 con.

Khi có dịch, gia đình đã ký cam kết với địa phương không xuất bán lợn ra thị trường, trong khi bệnh không có thuốc chữa trị. Gia đình chị đã “cửa đóng then cài” khu chăn nuôi, bắt tách những con có biểu hiện chán ăn, ốm ra một khu vực riêng để bảo vệ những con còn khỏe mạnh.

Nhiều hộ chăn nuôi vừa thoát khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đã gặp dịch bệnh trên lợn, chồng chất khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều hộ chăn nuôi vừa thoát khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đã gặp dịch bệnh trên lợn, chồng chất khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Chị Oanh thông tin thêm, năm 2019, đàn lợn của gia đình chị cũng mắc DTLCP, toàn bộ số lợn phải tiêu hủy hết. Gánh trên vai số nợ 500 triệu đồng, anh chị vẫn cố gắng gượng dậy để tái đàn hi vọng gỡ gạc để trả nợ. Tuy nhiên, từ khi vào đàn mới, dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chưa được thu thì DTLCP quay lại.

“Không biết giờ phải làm thế nào, hai vợ chồng phải thay nhau theo dõi đàn lợn cả ngày lẫn đêm. Con nào có biểu hiện là bắt tách ra để không lây cho con khác, hi vọng bảo vệ được càng nhiều lợn càng tốt, chứ giờ mà phải tiêu hủy hết thì trắng tay, nợ lại chồng nợ”, chị Oanh ngậm ngùi.

"UBND huyện Ba Vì đã yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ vững chắc những vùng chưa có dịch, đặc biệt là các trang trại lớn, trang trại chăn nuôi lợn đực, lợn nái, lợn giống để sẵn sàng nguồn cung giống cho người dân khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Huyện cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giám sát, không để các hộ chăn nuôi bán chạy lợn mắc bệnh. Kịp thời xử lý, tiêu hủy lợn ốm chết, ghi chép cụ thể số lượng, báo cáo về Phòng kinh tế, Trạm thú y để tổng hợp, tránh tình trạng trục lợi khi có sự hỗ trợ của Nhà nước", ông Hứa Bá Trình, Phó phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho hay.

Thời gian qua, DTLCP đã tái bùng phát tại một số địa phương. Tại Hà Giang, tính đến đầu tháng 10/2021, toàn tỉnh đã có hơn 7.600 con lợn tại 11 huyện bị chết và tiêu hủy bắt buộc; tổng trọng lượng tiêu hủy là 348.890 kg do bệnh DTLCP. 

Tại tỉnh Cao Bằng, trong tháng 9/2021, DTLCP tiếp tục phát sinh thêm 13 ổ dịch mới và mắc rải rác tại các địa phương.

Tại Hải Phòng, cuối tháng 9/2021, ổ DTLCP xuất hiện tại huyện Cát Hải. 

Tỉnh Gia Lai thời gian qua có hơn 500 con lợn mắc bệnh DTLCP tại 73 hộ của 19 thôn thuộc 5 xã ở huyện Ia Pa. Trước đó, DTLCP cũng đã xảy ra ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk)...

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.