Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Theo Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chủ động chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng làm công tác thú y, công an, thanh tra giao thông lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ NN-PTNT theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Chi cục đã họp và chỉ đạo cho các phòng, ban chuyên môn làm tờ trình, tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
"Nhiều khi gấp quá, chúng tôi phải trao đổi tham mưu trực tiếp qua Zalo để lãnh đạo kịp thời nắm được tình hình và sớm có chỉ đạo các cơ quan liên quan", ông Loát cho biết.
Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, Chi cục cũng tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đột xuất tại các chốt kiểm dịch cũng như các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.
"Tuần qua, đích thân tôi đi kiểm tra đột xuất chốt kiểm dịch động vật tại chợ đầu mối Hải Bối, Đông Anh. Thời điểm kiểm tra, phát hiện cán bộ thú y cùng một số thành phần liên ngành bỏ chốt đi ăn đêm. Tôi đã phải gọi cho Trạm trưởng yêu cầu các cán bộ này quay trở lại chốt và ngay ngày hôm sau họp kiểm điểm đối với việc làm trên. Việc anh em ăn đêm tôi không cấm nhưng phải có người túc trực chứ không thể rủ nhau đi hết được", ông Loát chia sẻ.
Hơn nữa, theo ông Loát, sắp tới đây TP. Hà Nội thực hiện thí điểm hợp nhất 3 đơn vị cấp huyện (Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện quản lý, đến hết tháng 12 Chi cục phải hoàn thiện phần bàn giao cơ sở, con người về cho huyện nên nhiều cán bộ trạm có tư tưởng chủ quan, buông lỏng. "Không phải vì thế mà chúng tôi lơ là việc kiểm tra, kiểm soát, công tác thú y", ông Loát cho biết.
Theo ông Công Xuân Chiến - Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và Chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh động vật - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 29, Chi cục đã có chỉ đạo và Trạm cũng đã quán triệt đến tất cả các cán bộ thú y đang thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. Bất kể những trường hợp nào mà không có nguồn gốc, xuất xứ đều không cho phép nhập về các cơ sở mình quản lý.
Đối với các trường hợp cố tình nhập về thì cán bộ trạm phải báo cáo để phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp kiểm tra, xử lý, không để xảy ra việc nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Ông Nguyễn Bá Xuân – Tổ trưởng tổ kiểm soát giết mổ động vật khu vực huyện Thường Tín cho biết, đối với các cơ sở giết mổ tập trung, khi xe vào khu vực giết mổ cho biết: "Khi xe vào khu vực giết mổ chúng tôi phải kiểm tra các giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch động vật, niêm phong kẹp chì, đầy đủ các dấu hiệu trên, xe mới được vào khu vực giết mổ. Trong quá trình dỡ hàng, khi phát hiện động vật chết nếu nghi ngờ do bệnh, chúng tôi sẽ tiến hành niêm phong lô hàng và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nếu không có dịch bệnh nguy hiểm mới cho xe qua".
Bà Chu Thị Thúy - Giám đốc chất lượng Công ty TNHH Green Chicken - cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng nhất vì đây là đích đến cuối cùng của sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bởi các sản phẩm có nguồn gốc phải theo một quy trình nghiêm ngặt và có sự kiểm tra chéo giữa các cơ quan có liên quan.
"Công ty chúng tôi có một quy trình kiểm soát khép kín, khi gà xuất chuồng đều có kẹp chì và khi đến cơ sở giết mổ sẽ có cơ quan thú y Nhà nước phối hợp để kiểm tra thêm một lần nữa rồi mới đưa vào giết mổ chế biến", bà Thúy cho biết.