Lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp và đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng.
Tính đến hết tháng 10/2023, tổng đàn gia súc của địa phương này đạt trên 428.700 con, cho sản lượng thịt xuất chuồng trên 38.000 tấn. Đàn gia cầm cũng đạt 6,85 triệu con, với sản lượng vượt 25.700 tấn.
Với sự phát triển mạnh về tổng đàn, hàng năm, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sử dụng một lượng lớn các loại thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh… Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đẩy nhanh công tác tuyên truyền, quản lý các cơ sở, hộ nuôi không kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi.
Hoạt động này được xem là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và khẳng định giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 207 cơ sở kinh doanh thuốc thú y được cấp chứng chỉ hành nghề, đủ điều kiện kinh doanh. Hàng năm, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch lấy mẫu thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi kiểm tra sự hiện diện của chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist.
Các đoàn kiểm tra về tình hình sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa sử dụng hay lấy mẫu để kiểm tra nhanh Salbutamol thường xuyên được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng thành lập.
Qua đó, yêu cầu các cơ sở ký cam kết không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, nhắc nhở các cơ sở tuân thủ đúng quy định trong sử dụng thuốc, hóa chất, chỉ sử dụng các sản phẩm nằm trong danh mục được phép lưu hành, nguồn gốc rõ ràng, mua tại các cơ sở buôn bán thuốc uy tín.
Đặc biệt, ngành cũng khuyến khích các cơ sở, hộ nuôi thực hiện ghi chép đầy đủ các thông tin về sử dụng thuốc. Từ đó, người nuôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tạo cơ sở cung cấp thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã tổ chức 2 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất tại 22 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Cơ quan chuyên môn đã lấy 24 mẫu thuốc và thức ăn chăn nuôi gửi đến Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương II phân tích, kết quả không phát hiện chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn đang được ngành đẩy mạnh triển khai. Đơn vị này lưu ý, người trực tiếp tham gia sản xuất cần nắm vững các quy định, văn bản pháp luật liên quan để có cách làm đúng và hiệu quả, phát triển sản xuất theo hướng trách nhiệm, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Để hạn chế tác hại cũng như rủi ro khi hộ nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng khuyến cáo, bà con cần tuân thủ lựa chọn đúng thuốc, đúng bệnh, bệnh nào thuốc đó, để tránh thiệt hại về kinh tế do bỏ ra chi phí sử dụng thuốc quá nhiều.
Hơn nữa, việc sử dụng thuốc chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi lựa chọn đúng thời điểm, liều lượng của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn. Cuối cùng là phải đảm bảo đúng cách và có thời gian cách ly khi sản phẩm xuất chuồng.
Ngày 23/8/2021, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 3609/QĐ-BNN-TY về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua việc quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam.
Theo lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi, tiến tới cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ.