Đồng Nai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, củng cố mạng lưới thú y, chung tay với những doanh nghiệp lớn để tạo đà cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà.
An toàn dịch bệnh tạo đà cho xuất khẩu sản phẩm gia cầm
Đồng Nai đang đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm kiểm soát dịch bệnh, củng cố mạng lưới thú y, tạo đà cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà.
Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn gia cầm ở khoảng hơn 23 triệu con, đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ngành chăn nuôi Đồng Nai đang định hướng sẽ thực hiện tốt các công tác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi gia cầm sang các thị trường khó tính trong những năm tới.
Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm quy mô nông hộ mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ tổng đàn dưới 10% nhưng với hơn 18.000 hộ. Các hộ chăn nuôi này vẫn chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh nên các ổ dịch lẻ tẻ vẫn xảy ra. Đây là rào cản rất lớn khiến cho gia cầm của Đồng Nai bị chặn đứng trước khi xuất ngoại.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT
Đối với cả động vật, sản phẩm động vật thì tiêu chí hàng đầu đó là phải là đảm bảo những yêu cầu về an toàn dịch bệnh. Trong đó có những bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người hoặc lây truyền trong động vật với nhau không thôi. Người ta yêu cầu là động vật, sản phẩm động vật đó thì phải đến từ những vùng, chuỗi chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn đối với những cái dịch bệnh nguy hiểm.
Từ nhiều năm nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là đơn vị tiên phong của Đồng Nai trong chăn nuôi và xuất khẩu con gà trắng sang Nhật Bản. Bí quyết ở chỗ, HTX này luôn đảm bảo vấn đề an toàn dịch bệnh trên đàn gà, từ con giống đầu vào, thức ăn, quản lý chăm sóc cho đến khi xuất bán. Nhờ đó, sản phẩm của Long Thành Phát không chỉ được xuất khẩu sang những thị trường khó tính mà còn tiếp cận được nhiều cơ hội mới.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát
Tiêu chuẩn xuất khẩu có nghĩa là phải an toàn cho con người, đặc biệt người tiêu dùng. Thì bây giờ là xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước thì sản phẩm an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Thế nên tiêu chí của HTX và tất cả các thành viên đều tuân thủ rất nghiêm việc này. Thứ hai nữa là chúng tôi cũng làm việc với các đối tác nước ngoài thì chúng tôi cũng ý thức được rằng người Việt Nam mình cũng đầu đen máu đỏ, chúng tôi cũng phải có tự hào dân tộc.
Đến nay, Đồng Nai đã có 7 vùng được công nhận vùng an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm. Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đã hỗ trợ cho công tác kiểm soát dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, củng cố mạng lưới thú y, đồng thời hỗ trợ các chuỗi cung ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà trên địa bàn tỉnh.
Để hiện thực hóa việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gia cầm, Đồng Nai rất cần sự chung tay của những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực giết mổ gia cầm để hoàn thiện công tác chế biến, pha lóc nhằm đáp ứng tốt các quy chuẩn của các nước nhập khẩu.
Ông Hansen Rasmus, Giám đốc mảng thực phẩm, De Heus Việt Nam
De Heus cam kết đồng hành cùng người nông dân sau khi đã cùng nhau xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Kết hợp với đó là De Heus sẽ đầu tư thực hiện giết mổ các sản phẩm đầu ra cho người nông dân. Sau đó mình sẽ cùng nhau cố gắng cam kết để chất lượng sản phẩm gà được tốt nhất, không chỉ cho tiêu thụ trong nội địa mà sẽ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế với chất lượng tốt nhất.