| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển

Thứ Hai 28/11/2016 , 09:47 (GMT+7)

Căn cứ vào số tiền Chính phủ chi tạm ứng cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, gần một tháng nay, tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường đến tận tay người dân bị ảnh hưởng theo phương châm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Khôi phục khai thác, sản xuất

Sau khi xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi trồng và cá biển tự nhiên 4 tỉnh Bắc Trung bộ chết hàng loạt, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ thủ phạm đầu độc biển là Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

14-18-00_1
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh hướng dẫn người dân hoàn tất thủ tục nhận tiền bồi thường. (Ảnh: TS)
 

Nguyên nhân đã rõ nhưng bài toán đặt ra là làm thế nào để làm sạch biển, khôi phục hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Trách nhiệm này, Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì tham mưu các giải pháp.

Đứng trước thời điểm nhạy cảm đó, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản tổ chức nhiều đoàn cán bộ, chuyên gia vào tìm hiểu thực tế tại các địa phương, lấy mẫu nước, mẫu cá xét nghiệm, từ đó làm căn cứ khuyến cáo người nuôi trồng, khai thác chủ động ra khơi bám biển và tái sản xuất. Hiện hầu hết chủ các tàu, thuyền trên địa bàn Hà Tĩnh đã vươn khơi đánh bắt trở lại; 90% diện tích nuôi trồng thủy sản cũng đã thả giống từ đầu tháng 7/2016 đến nay.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói: “Mặc dù đang có một số hộ nuôi trồng e ngại về độ an toàn của nước biển nên thả nuôi dè dặt nhưng nhìn chung việc khôi phục sản xuất bà con đã chủ động hoàn toàn. Để giúp dân hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình nuôi chúng tôi đã tăng cường cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn người dân nuôi đúng kỹ thuật; đồng thời, khuyến cáo bà con đầu tư thêm các hệ thống ao hồ xử lý nước biển trước khi đưa vào ao nuôi”.

14-18-00_2
Việc chi trả tiền được thực hiện nhanh chóng, công khai và rất công bằng. (Ảnh: TS)
 

Ngư dân Nguyễn Văn Lĩnh (SN 1948) ở thôn Phú Long, xã Kỳ Phú cho biết, mấy chục năm nay, ông khai thác hải sản vùng lộng mưu sinh, sau sự cố môi trường ông neo thuyền lên bờ nghỉ mấy tháng. Cách đây mấy hôm ông đã ra khơi trở lại, bình quân mỗi ngày thu nhập được 200 - 400 ngàn đồng, đủ để gia đình trang trải chi phí sinh hoạt. Cũng theo ông Lĩnh, ông vừa nhận được hơn 22 triệu đồng tiền bồi thường mất việc làm, trước đó con trai ông cũng đã làm thủ tục nhận số tiền tương đương.
 

Chính quyền và ngân hàng phối hợp chi trả

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau khi kê khai, áp giá theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn Hà Tĩnh là hơn 1.947 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại trực tiếp hơn 1.882 tỷ và gián tiếp hơn 64 tỷ đồng. Hiện các huyện, thành phố, thị xã có đối tượng bị ảnh hưởng đã phê duyệt được hơn 596 tỷ đồng; Hội đồng tỉnh Hà Tĩnh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hơn 396 tỷ; các địa phương đã chi trả được trên 205 tỷ đồng.

Tại buổi chi trả tiền bồi thường của huyện Kỳ Anh ngày 23/11, hàng trăm người dân xếp hàng trật tự chờ đến lượt cán bộ gọi tên vào nhận tiền. Bên trong hội trường các dãy bàn hướng dẫn bà con ký hồ sơ và chi trả tiền được sắp xếp ngăn nắp, bài bản dưới sự giám sát của cán bộ huyện và ngân hàng Vietinbank.

14-18-00_3
Việc chi trả tiền được thực hiện nhanh chóng, công khai và rất công bằng. (Ảnh: TS)
 

Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện vừa giải thích một số ý kiến kiến nghị của người dân vừa nói: “Hôm nay là ngày thứ 6 Kỳ Anh chi trả tiền bồi thường và Kỳ Phú là xã cuối cùng thực hiện chi trả đợt 1. Qua khảo sát của chúng tôi bà con nhận tiền rất phấn khởi, đặc biệt tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo ổn định”.

Theo ông Hoàn, huyện Kỳ Anh có 2.737 đối tượng/7 xã bị thiệt hại với tổng số tiền hơn 112 tỷ đồng. Sau 6 ngày chi trả tổng số tiền người dân đã nhận là hơn 100 tỷ đồng/2.427 đối tượng. Riêng ngày 23/11 huyện phối hợp ngân hàng Vietinbank chi trả cho 701 đối tượng ở xã Kỳ Phú với tổng số tiền 23,172 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Mai, một hộ kinh doanh thủy hải sản ở Kỳ Anh cho hay, gia đình chị có 2 người được bồi thường do ảnh hưởng sự cố môi trường với tổng số tiền hơn 52 triệu đồng. “Tôi thấy các cán bộ chi trả tiền rất kịp thời và chặt chẽ. Vừa rồi tôi bảo chồng lên nhận thay nhưng cán bộ bảo theo quy định phải chi trả trực tiếp nên giờ tôi mới lên nhận”, chị Mai nói.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Khánh Toản, Trưởng phòng giao dịch Vietinbank huyện Kỳ Anh cho hay, sau khi thống nhất phương án với chính quyền huyện, xã, Vietinbank Kỳ Anh huy động hàng chục cán bộ, nhân viên làm việc cả buổi trưa để kịp thời chi trả tiền cho các đối tượng. Quá trình chi trả bà con rất phấn khởi và quan trọng nhất là không có vướng mắc nào xảy ra.

14-18-00_4
Việc chi trả tiền được thực hiện nhanh chóng, công khai và rất công bằng. (Ảnh: TS)
 

Được biết, huyện Kỳ Anh đang còn 310 đối tượng chưa thể chi trả do đã đi xuất khẩu lao động hoặc làm ăn xa; ngoài ra, một số đối tượng có ý kiến phản ánh chưa công bằng nên huyện, xã đang giữ lại để tiếp tục xác minh. Nếu đối tượng nào gian dối sẽ bị đưa ra khỏi danh sách ngay, còn xác minh đủ điều kiện thì hội đồng sẽ chi trả tiền bồi thường theo đúng quy định.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm