| Hotline: 0983.970.780

Hai bản ở thành phố Sơn La vẫn chìm trong biển nước

Thứ Tư 06/11/2024 , 07:00 (GMT+7)

SƠN LA Người dân tại 2 bản thuộc xã Chiềng Đen vẫn đang oằn mình chống chọi với tình trạng ngập lụt kéo dài, sau cơn bão số 2 chưa thể trở về trạng thái bình thường…

Cuộc sống "đóng băng" giữa biển nước

Hai bản Nam Niệu và Nam Giáng chìm trong biển nước. Ảnh: Quang Dũng.

Hai bản Nam Niệu và Nam Giáng chìm trong biển nước. Ảnh: Quang Dũng.

Đã hơn ba tháng trôi qua kể từ khi cơn bão số 2 và số 3, nhưng hai bản Nam Niệu và Nam Giáng, thuộc xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, vẫn phải sống trong cảnh ngập úng triền miên. Tình trạng kéo dài gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày khiến hàng chục hộ gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, khi nước lũ dâng cao hết tầng một của ngôi nhà, lối vào, lối ra đang bị nghẽn bởi nước, người dân phải dùng tre, lứa buộc chặt lại tạo thành đường di chuyển. Những chiếc bè tự chế bỗng chốc trở thành phương tiện hữu dụng trong vùng toàn nước, nhìn từ trên cao, có lẽ nhiều người sẽ lầm tưởng xã Chiềng Đen vừa có thêm hai lòng hồ.

Hiện tại, nước rút rất chậm, mỗi ngày chỉ giảm được 1-2 cm. Điều này khiến cuộc sống của người dân gần như bị đóng băng. Các hoạt động nông nghiệp bị đình trệ hoàn toàn; mùa màng ảnh hưởng nặng nề, vật nuôi chết hàng loạt. Những ký ức về trận lụt lịch sử của năm 1998 ùa về, ám ảnh trong tâm trí mỗi người.

Ông Lò Xuân Đán, người dân tại bản Nam Niệu chia sẻ trong lo âu: “Năm nào cũng ngập, nhưng năm nay quả thực là kinh khủng nhất, nước ngập hết cả tầng một, chúng tôi không còn nơi nào để đi, đành phải ở lại và cố gắng thích nghi với hoàn cảnh.”

Gia đình ông Đán, như nhiều hộ khác trong vùng, phải di chuyển đồ đạc liên tục vì nước dâng từng đợt. Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng dân quân và công an xã, việc vận chuyển được hỗ trợ phần nào, nhưng họ vẫn lo lắng tài sản sẽ hư hỏng do nước ngấm lâu ngày.

Anh Cà Văn Ương chia sẻ về những khó khăn của bản Nam Niệu. Ảnh: Thiên Trường.

Anh Cà Văn Ương chia sẻ về những khó khăn của bản Nam Niệu. Ảnh: Thiên Trường.

Anh Cà Văn Ương, trưởng bản Nam Niệu cho biết, sau hoàn lưu bão, nước dâng nhanh, nhiều nhà phải chuyển đồ ba lần. Hiện tại, 19 hộ ngập sâu, 9 hộ chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở và phải di dời đến nhà người thân. Một số hộ xây nhà cao ở tạm tầng trên, nhưng với nhà chỉ có 2 tầng phải tìm nơi khác. Thiệt hại còn nghiêm trọng hơn với nông nghiệp. Gà vịt chết hàng loạt; trâu bò buộc phải bán hoặc di dời sang vùng khác. Khu trồng hoa màu, cà phê mất trắng, khiến nhiều hộ dân không còn nguồn thu nhập. Để giúp dân vượt qua khó khăn, chính quyền địa phương lập hồ sơ xin trợ cấp, với hy vọng giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính do thiên tai gây ra.

Khó Khăn Trong Công Tác Khắc Phục

Lối vào được tạo bởi bè tre. Ảnh: Thiên Trường.

Lối vào được tạo bởi bè tre. Ảnh: Thiên Trường.

Trước tình cảnh hiện tại, trạm y tế xã phối hợp với lực lượng địa phương tiến hành khử khuẩn và phát thuốc dự phòng bệnh ngoài da, bệnh tiêu chảy. Các cụ già được di chuyển đến nơi cao ráo, an toàn để tránh rủi ro, còn trẻ em trong bản đều được phát áo phao để đảm bảo khi di chuyển qua vùng ngập.

Trong khi đó, các đoàn viên thanh niên trong bản tích cực dọn dẹp rác , đồng thời vận động các gia đình tự chôn cất xác động vật chết để ngăn ngừa dịch bệnh. Cơn bão số 2 và số 3 đã khiến xã Chiềng Đen chịu thiệt hại lớn về nhà cửa, khi đất đá vùi lấp 41 ngôi nhà và 2 điểm trường mầm non, tiểu học. Đợt ngập úng diện rộng làm ảnh hưởng trực tiếp đến 92 hộ dân, với các bản Phiêng Nghè, Nam Niệu và Nam Giáng là ba nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chính quyền xã Chiềng Đen và các tổ chức thiện nguyện đã phối hợp cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản và một phần chi phí hỗ trợ cho người dân, nhưng nguồn lực vẫn còn hạn chế. Ông Cà Văn Long, Chủ tịch xã Chiềng Đen cho biết: “Xã đang nỗ lực hết mình để hỗ trợ người dân, nhưng trong điều kiện ngập lụt, việc vận chuyển hàng cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã kêu gọi sự trợ giúp từ chính quyền tỉnh, lực lượng vũ trang và các nhà hảo tâm. Đến nay, đã có hơn 50 căn nhà tình thương được hỗ trợ, giúp đỡ phần nào cho những hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở.”

Theo báo cáo của UBND xã Chiềng Đen, diện tích đất canh tác bị thiệt hại tại các bản lên tới hàng chục hecta. Cụ thể, tại bản Nam Giáng, diện tích đất canh tác của cây ngô và rau màu bị ngập 26.670 ha; 11.634 ha cây công nghiệp bị thiệt hại; ảnh hưởng 0.31 ha cây ăn quả lâu năm. Tổng chi phí thiệt hại lên đến 2.9 tỷ đồng.

Ông Lò Xuân Đán tại bản Nam Niệu đã quen dần vẫn cảnh nước ngập. Ảnh: Thiên Trường

Ông Lò Xuân Đán tại bản Nam Niệu đã quen dần vẫn cảnh nước ngập. Ảnh: Thiên Trường

Tại bản Nam Niệu, diện tích lúa lai thiệt hại 0.1 ha, ngập 2.790 ha diện tích cây ngô và rau màu, diện tích cây công nghiệp ảnh hưởng 8.985 ha, cây ăn quả lâu năm thiệt hại 0.710 ha. Tổng chi phí thiệt hại tương đương 1.6 tỷ đồng.

Trong nỗ lực khôi phục cuộc sống, chính quyền đã đề xuất hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, với các chính sách cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và chi phí sản xuất ban đầu cho các hộ dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ hơn 103 triệu cho bản Nam Giáng và 46 triệu cho bản Nam Niệu là quá ít so với thiệt hại khổng lồ mà người dân phải gánh chịu.

Đến nay, phương án di dời tới khu vực an toàn vẫn chưa được đề xuất rõ ràng, buộc người dân phải “sống chung” với nước lũ. “Có lẽ phải qua Tết thì nước mới có thể rút hoàn toàn,” trưởng bản Nam Niệu lo lắng chia sẻ. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết cuộc sống sẽ ra sao. Toàn bộ đất trồng bị tàn phá, công sức tích góp trôi theo dòng nước. Tình trạng ngập không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn tạo ra gánh nặng tinh thần và thể chất cho người dân.

Người dân ở hai bản Nam Liệu và Nam Giáng đang trải qua những ngày tháng khó khăn chồng chất vì tình trạng ngập lụt kéo dài. Họ mong muốn chính quyền các cấp sớm có biện pháp khắc phục hiệu quả và bền vững để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, bởi năm nào cũng phải chịu ngập lụt không chỉ làm gián đoạn cuộc sống mà còn tàn phá tài sản và gây thiệt hại nặng nề.

Mỗi năm, cái Tết lại đến trong cảnh thiếu thốn, vất vả, không biết đến khi nào người dân mới thoát khỏi hoàn cảnh này. Sự hỗ trợ kịp thời, đủ đầy sẽ là nguồn động viên lớn, giúp bà con vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống, để nỗi lo về thiên tai không còn là gánh nặng hàng năm đè trên vai người dân.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào

Sáng 9/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.