| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng hợp tác với Nhật Bản để thoát nước đô thị

Thứ Bảy 13/07/2024 , 06:55 (GMT+7)

Hệ thống đường cống trục thoát nước ở Hải Phòng được lắp đặt qua nhiều thời kỳ, chưa đồng bộ, một số đã có hiện tượng xuống cấp, cần sớm có giải pháp khắc phục.

Đường Trần Nguyên Hãn ngập nặng sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Đường Trần Nguyên Hãn ngập nặng sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Nan giải đường phố cứ mưa lớn là ngập

Thành phố Hải Phòng nằm trong khu vực ven biển có địa hình khá bằng phẳng, cốt nền hiện trạng tương đối thấp và được bao bọc bởi 6 con sông lớn gồm: sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình và sông Hóa nên hệ thống thoát nước chịu ảnh hưởng của chế độ thủy, hải văn.

Với hệ thống thoát nước như hiện nay, vùng đô thị trung tâm chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước các trận mưa khoảng 50mm. Do vậy, khi mưa lớn, triều cường xảy ra, toàn thành phố, nhất là khu vực đô thị gần biển lại xảy ra ngập, thậm chí có nơi không mưa cũng ngập.

Đơn cử như năm 2024, dù mới bắt đầu mùa mưa nhưng đã có 3 lần xảy ra ngập lụt trên một số tuyến phố. Nặng nhất là thời điểm đầu tháng 6 vừa qua, cơn mưa lớn kéo dài đã gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ lịch sử tại nhiều tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn các quận nội thành, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân.

Những khu vực thường ngập lụt cục bộ khi mưa lớn xảy ra nằm ở hầu hết các quận. Cụ thể, tại quận Lê Chân gồm phố Tô Hiệu, Hàng Kênh, Đình Đông, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Tất Tố, Đặng Ma La, Chùa Hàng, Tôn Đức Thắng; tại quận Hải An gồm các tuyến Trung Hành, Phú Xá, đường Hạ Đoạn 1, Đường tỉnh 356; Trung Lực, ngõ 2 Bùi Thị Từ Nhiên, đường Chợ Lũng; khu vực quận Kiến An ngập lụt cục bộ trên tất cả các tuyến, trọng điểm là tuyến Phan Đăng Lưu, Trần Nhân Tông, Trần Thành Ngọ.

Người dân khổ sở lội trên phố sau mưa. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân khổ sở lội trên phố sau mưa. Ảnh: Đinh Mười.

Đáng lưu ý, tình trạng ngập lụt cục bộ không phải mới đây mà đã là câu chuyện xảy ra nhiều năm nay và đã lan dần từ đô thị sang một số huyện như: Thủy Nguyên, An Dương,… Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là do hệ thống thoát nước khu vực này không đáp ứng được yêu cầu thoát nước đối với những trận mưa lớn. Do đó, Hải Phòng cần có giải pháp đột phá hơn trong quy hoạch và triển khai hệ thống thoát nước cho thành phố.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc san lấp ao hồ, kênh rạch dẫn đến diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa làm giảm năng lực tiêu thoát nước tự nhiên, trong khi hệ thống thoát nước hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hoạt động xả thải, rác thải, vôi vữa gạch vỡ xuống các kênh, mương, cửa xả tiêu thoát nước khiến các miệng thu tiêu thoát nước bị thu hẹp, thậm chí bị bịt lại, gây ách tắc dòng chảy, nhất là khi mưa lớn.

Theo ghi nhận của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, thời gian vừa qua tại Hải Phòng  thường xuyên xảy ra các trận mưa lớn kéo dài với lượng mưa trên 100mm, cá biệt có các trận mưa trên 300mm. Mưa lớn nếu kết hợp với triều cường, lũ từ thượng lưu đổ về đã gây nên hiện tượng ngập lụt trên diện rộng.

Các trận mưa lớn ở Hải Phòng trong những năm gần đây như: Ngày 26/8/2021 lượng mưa đo được là trên 250mm, ngày 5/9/2021 với lượng trên 150mm; ngày 1/8/2022 lượng mưa đo được là 110mm, ngày 26/8/2022 lượng mưa đo được là 248mm, ngày 18/6/2022 nước triều trên sông dâng cao trên +4,5m. Ngày 9/6, lượng mưa đo được đến 13h là 335mm.

Ngập lụt đã xảy ra tại huyện An Dương, chuyện trước nay ít thấy. Ảnh: Đinh Mười.

Ngập lụt đã xảy ra tại huyện An Dương, chuyện trước nay ít thấy. Ảnh: Đinh Mười.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ

Để khắc phục tình trạng ngập lụt tại các tuyến phố, những năm qua thành phố Hải Phòng và trực tiếp là Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng đã xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, các trạm bơm, cống ngăn triều làm tăng hiệu quả hoạt động của các công trình thoát nước. Hải Phòng đã hợp tác với Cục cấp thoát nước thành phố Kytakyushu Nhật Bản để xây dựng các bộ quy trình vận hành đã và đang áp dụng khá hiệu quả.

Mặt khác, Hải Phòng đã áp dụng các trang thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại như: sử dụng máy camera soi lòng cống để phát hiện sự cố, sử dụng máy phun rửa áp lực cao, máy hút bùn để nạo vét bùn hố ga, cống xóm ngõ, các máy bơm di động công suất lớn để tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho các khu vực trũng thấp hoặc chịu ảnh hưởng của các dự án đang thi công dở dang. Đồng thời triển khai Trung tâm Quản lý thông tin ngập lụt nhằm kiểm soát úng ngập, nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, đồng thời có thể đưa ra những cảnh báo sớm cho người dân nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.

Hệ thống kênh mương đầy nước sau mỗi cơn mưa lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống kênh mương đầy nước sau mỗi cơn mưa lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Các tuyến cống của thành phố chủ yếu được xây dựng để giải quyết vấn đề ngập lụt cục bộ trước mắt, chưa mang tính đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, ngoại trừ một số khu đô thị mới được xây dựng tách riêng hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải, hệ thống cống thoát nước của thành phố hầu hết là hệ thống thoát nước chung. Cùng với đó, hệ thống đường cống trục thoát nước được lắp đặt qua nhiều thời kỳ, chất lượng các cống không đồng đều, hiện nay, một số đường cống đã có hiện tượng xuống cấp do được xây dựng từ lâu.

Do vậy, để khắc phục triệt để tình trạng ngập lụt cục bộ thì phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và dành nguồn lực lớn để đầu tư. Theo ông Phạm Quang Quỳnh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, trên cơ sở quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cần sớm phê duyệt quy hoạch chuyên ngành riêng cho thoát nước và xử lý nước thải, điều chỉnh các quy hoạch thoát nước mưa, nước thải cho phù hợp với quy hoạch chung. Trong đó, cần đưa ra các dự án ưu tiên cần cải tạo và ban hành các quy định chung về cốt san nền, quy định xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải tại các khu đô thị xây mới.

Cùng với đó, Hải Phòng cần lập dự án đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước từ nguồn vốn ODA, trong đó trước mắt ưu tiên triển khai một số hạng mục như: Cải tạo hệ thống thoát nước quận Hải An, huyện Thủy Nguyên, thực hiện nạo vét các mương hồ điều hòa trong thành phố, xây dựng trạm bơm cưỡng bức tại khu vực thoát nước thành phố cũ tại quận Hồng Bàng. Đồng thời tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm nâng công suất của nhà máy lên 72.000m3/ngày-đêm.

Năm 2024, để bảo đảm thoát nước, hạn chế ngập lụt, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng đã tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa tất cả các trạm bơm, cống ngăn triều, van phai đảm bảo việc vận hành thường xuyên, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Tổ chức giám sát hệ thống vận hành các trạm bơm nước mưa lớn Máy Đèn, Vĩnh Niệm, Ba Tổng, Sở Dầu, Thượng Lý, hầm chui Cầu Rào, hầm chui Nam Cầu Bính.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!