| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng rốt ráo bảo vệ nguồn nước phục vụ hệ thống thủy lợi

Thứ Sáu 01/12/2023 , 10:11 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Việc lấy nước vào các hệ thống thủy lợi ở Hải Phòng ngày càng khó khăn do nhiều yếu tố, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh.

Nguồn nước ngày càng khó khăn

Thành phố Hải Phòng hiện nay có 5 hệ thống thủy lợi, được giới hạn bởi 5 tuyến sông, là hạ lưu của sông Hồng và sông Thái Bình chảy qua địa bàn. Các hệ thống thủy lợi đang phục vụ cung cấp nước cho khoảng 100 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và thực hiện tiêu thoát nước cho khoảng 50 nghìn ha của các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp.

Không những thế, các hệ thống thủy lợi này đồng thời cung cấp khoảng 100 triệu mét khối nước thô đảm bảo cho hệ thống sản xuất nước sinh hoạt hàng năm cho nhân dân, đáp ứng theo tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Hải Phòng có 5 hệ thống thủy lợi tách biệt nhau, không thể hỗ trợ nhau trong việc cấp nước cho sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có 5 hệ thống thủy lợi tách biệt nhau, không thể hỗ trợ nhau trong việc cấp nước cho sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Các hệ thống thủy lợi của Hải Phòng có đặc điểm là đều khai thác nước từ các tuyến sông tự nhiên, thông qua hình thức lấy nước tự chảy, lợi dụng sự lên xuống của thủy triều để tích trữ nước vào hệ thống, phục cho các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Thông thường, các hệ thống thủy lợi sẽ lấy nước từ các con sông vào các hệ thống tích trữ và cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch. Những năm gần đây, việc khai thác nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng gặp nhiều khó khăn.

Thống kê từ các công ty khai thác công trình thủy lợi cho thấy, nếu như trước đây Hải Phòng có khoảng 50% diện tích được tưới tiêu nước bằng hình thức tự chảy, lợi dụng sự lên xuống của thủy triều để lấy nước trực tiếp cho các vùng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, có đến 70% diện tích trước đây được tưới bằng tự chảy đã phải chuyển sang tưới bằng động lực, làm tăng chi phí sản xuất từ 30-50%.

Theo Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai Hải Phòng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nước mặn xâm nhập sâu vào trong các vùng cửa sông và tình trạng xả thải từ các khu dân cư, các làng nghề gây ô nhiễm nguồn nước.

Điều này làm giảm thời gian khai thác nước của các công trình đầu mối thuộc các hệ thống thủy lợi. Việc giảm thời gian khai thác nước dẫn tới tình trạng trữ nước trong các hệ thống công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

Rất nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Hải Phòng đang xả thải trực tiếp vào các hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Rất nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Hải Phòng đang xả thải trực tiếp vào các hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Do đặc điểm là phần lớn diện tích đất của các xã ven biển ở Hải Phòng đều phải thực hiện thau chua, rửa mặn thường xuyên để tránh việc phát tán mặn từ đất làm ô nhiễm nguồn nước và làm giảm năng suất của cây trồng. Tình trạng khai thác nước không thuận lợi sẽ dẫn đến việc thau chua rửa mặn gặp nhiều khó khăn, một số diện tích đất đã phải tính đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi thời vụ canh tác để giảm thiểu thiệt hại do thiếu nước tưới.

Để giải quyết các vấn đề này, thời gian qua, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó bao gồm các nhóm giải pháp liên quan đến khai thác nước, nhóm giải pháp liên quan đến trữ nước, bảo vệ nguồn nước và thay đổi thói quen sử dụng nước.

Về nhóm giải pháp khai thác nước, hiện nay Sở NN-PTNT Hải Phòng đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi tận dụng tối đa thời gian để khai thác, khuyến khích và hỗ trợ các công ty thủy nông triển khai thực hiện áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Đồng thời đầu tư mua sắm các trang thiết bị đo độ mặn, ứng dụng công nghệ trong việc điều khiển các công trình thủy lợi từ xa, điều khiển tự động và bố trí nhân lực để tăng thời gian lấy nước tối đa có thể.

Con nước cuối tháng 11/2023, cống Trung Trang chỉ lấy nước vào hệ thống thủy lợi được 3/8 ngày do tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: Đinh Mười.

Con nước cuối tháng 11/2023, cống Trung Trang chỉ lấy nước vào hệ thống thủy lợi được 3/8 ngày do tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: Đinh Mười.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu đến giải pháp đầu tư xây dựng các công trình khai thác nước bằng động lực, sẽ xây dựng các trạm bơm điện để cấp nguồn bổ sung cho hệ thống, tăng khả năng khai thác nước ngọt ở các sông tự nhiên vào hệ thống thủy lợi khi mực nước thủy triều thấp”, ông Đoàn Văn Ban – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng chia sẻ.

Cấp bách bảo vệ nguồn nước

Hiện nay, các hệ thống thủy lợi ở Hải Phòng không chỉ phục vụ riêng cho mục đích sản xuất nông nghiệp mà còn có chức năng cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất nước sạch, cấp nước cho công nghiệp và tiếp nhận nước tiêu, nước thải của các nguồn phát sinh trong lưu vực.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng, hiện tại có 3 nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn. Thứ nhất là công trình thủy lợi phải tiếp nhận nguồn nước thải phát sinh từ các khu vực dân cư, các làng nghề,… Thứ hai là nguồn phát thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; và thứ ba là nguồn phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Để có kế hoạch ngăn chặn nguồn nước thải thâm nhập vào các hệ thống thủy lợi, từ năm 2013, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã phối hợp với Sở TN-MT, chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ nguồn nước.

Một kênh mương chảy qua khu dân cư dày đặc rác thải, không còn phát huy được tác dụng tưới, tiêu. Ảnh: Đinh Mười.

Một kênh mương chảy qua khu dân cư dày đặc rác thải, không còn phát huy được tác dụng tưới, tiêu. Ảnh: Đinh Mười.

Đến thời điểm hiện tại, gần 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã có hệ thống nước xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống công trình thủy lợi. Với một số cơ sở sản xuất kinh doanh lớn như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn có lượng nước xả trên 1.000 mét khối trong một ngày đêm thì cũng đã có hệ thống quan trắc tự động, quan trắc trực tiếp và được theo dõi 24/24 tại Sở TN-MT. Còn với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, việc xả thải cũng đã cơ bản được kiểm soát.

Riêng với nguồn phát thải từ các khu dân cư, làng nghề, đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nhiều nhất bởi hầu hết các khu dân cư tập trung nông thôn hiện nay đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải phát sinh từ sinh hoạt của người dân vào các hồ, ao rồi sau đó theo nước mưa chảy vào hệ thống thủy lợi.

Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND TP Hải Phòng xây dựng các công trình chuyển hướng nước tiêu ra khỏi nguồn nước ngọt cần phải bảo vệ. Đồng thời tham mưu cho UBND TP giao cho Sở Xây dựng xây dựng đề án thu gom nước thải của các khu dân cư và làng nghề nông thôn về hệ thống xử lý của thành phố.

Ưu tiên kinh phí để đầu tư công trình phân vùng tiêu, khi cần có thể tiêu cục bộ từng khu vực để giảm thất thoát nguồn nước trong hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Ưu tiên kinh phí để đầu tư công trình phân vùng tiêu, khi cần có thể tiêu cục bộ từng khu vực để giảm thất thoát nguồn nước trong hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Với nhóm phát thải thứ ba, nguồn xả thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đề ra một số giải pháp và đang triển khai thực hiện. Thứ nhất là vận động bà con nông dân bỏ thói quen sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật và sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật an toàn hơn. Vận động các địa phương thu gom các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đem đi xử lý.

Thứ hai là ưu tiên bố trí kinh phí cho các công trình thủy lợi, tổ chức đắp bờ các tuyến kênh trục chính để chuyển hướng nguồn nước thải phát sinh từ sản xuất nông nghiệp vào các tuyến kênh không có nhiệm vụ cấp nước cho sinh hoạt. Ngoài ra Hải Phòng cũng ưu tiên kinh phí cho một số hệ thống thủy lợi nhiễm mặn, đầu tư công trình để phân vùng tiêu, khi cần có thể tiêu cục bộ từng khu vực, giảm thất thoát nguồn nước trong hệ thống thủy lợi.

“Các công ty khai thác công trình thủy lợi được giao kiểm tra các công trình trong hệ thống, sửa chữa các công trình, phối hợp với các địa phương giải tỏa các vị phạm lấn chiếm để tăng khả năng trữ nước của các hệ thống thủy lợi. Với các giải pháp này, thời gian gần đây, chất lượng nguồn nước đã được cải thiện, cơ bản đáp ứng được theo tiêu chuẩn 08 của Bộ TN-MT về cấp nước cho sinh hoạt trên địa bàn”, ông Đoàn Văn Ban – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.