Hành trình chuyển đổi tư duy
Ngày 29/11, Cục Quản lý xây dựng công trình tổ chức Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Nguyễn Hải Thanh cho biết, chặng đường 20 năm qua của Cục là sự kế thừa truyền thống, “kho tàng” trí tuệ, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc của các thế hệ trước đã xây đắp, đồng thời không ngừng mở rộng tư duy trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng công trình để lắng nghe cuộc sống và nhu cầu xã hội; lắng nghe tiến bộ kỹ thuật, từ đó tập hợp những nhà khoa học tốt nhất, áp dụng công nghệ mới nhất, thu hút các doanh nghiệp uy tín nhất để tạo ra sản phẩm “đi tắt đón đầu”, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp để người dân được hưởng lợi.
Trong suốt 2 thập kỷ qua, Cục đã tập hợp các chuyên gia giỏi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng lĩnh vực thủy lợi mà cả các chuyên gia về vật liệu xây dựng, đường hầm, kết cấu, địa chất, thiết kế, thi công, cơ khí, thủy văn, thiết bị,...
Trong đó, nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng gắn bó mật thiết với Cục trong suốt quá trình đầu tư dự án. Qua đó, giảm được chi phí dự án, tiến độ đầu tư, thi công xây dựng được đẩy nhanh và ít xảy ra sự cố về thi công.
Một trong những dấu ấn lớn mà các công trình mà Cục Quản lý xây dựng công trình đã làm góp phần đưa nước đến những vùng sâu, vùng xa hơn, vùng đồi cao mà trước đây vốn gặp rất nhiều khó khăn bởi không có nguồn nước. Hệ thống kênh dẫn nước thủy lợi đã được chuyển thành hệ thống dẫn nước áp lực cao từ đó nước được quản lý rất hiệu quả, tránh lãng phí.
Cùng với định hướng phát triển kinh tế thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, coi nước mặn, nước lợ và nước ngọt đều là tài nguyên cần khai thác hiệu quả. Những công trình do Cục thực hiện theo tư duy kiểm soát mặn, ngọt, lợ đã trở thành động lực quan trọng để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh”.
Ông Thanh cho biết: "Thành quả đó là sự hội tụ của đa dạng trí tuệ, khoa học kỹ thuật mới tạo ra được. Trước đây, nhiều công trình phải ngăn sông mới thi công được, thì nay nhờ áp dụng công nghệ đập trụ đỡ, thời gian hoàn thành dự án được rút ngắn. Thành công này của ngành thủy lợi nhiều ngành khác chưa làm được."
Thông qua các đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực thủy lợi giai đoạn 2016 - 2020, dung tích hồ chứa tăng thêm khoảng 1,397 tỷ m3; diện tích tưới trực tiếp tăng thêm khoảng 80.499ha; tạo nguồn, nâng cao năng lực tưới khoảng 318.839 ha; nâng cao năng lực tiêu khoảng 402.492 ha; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho khoảng 1,1 triệu ha; cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ, mang lại niềm vui cho người dân trên khắp mọi miền đất nước.
Chuẩn bị đầu tư các dự án mang tính dài hạn
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng 20 năm của Cục Quản lý xây dựng công trình so với truyền thống 78 năm của ngành nông nghiệp Việt Nam không phải là quãng thời gian dài nhưng đây là chặng đường đủ dài để cùng nhìn nhận lại quá trình hoạt động và nỗ lực của một đơn vị đặc thù của Bộ.
Theo Thứ trưởng, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định đột phá về hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược bên cạnh thể chế và con người, trong khi hạ tầng thủy lợi là một trong ba hạ tầng quan trọng nhất của quốc gia (hạ tầng giao thông, thủy lợi, thông tin) đặc biệt trong thời kỳ kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay. Chính vì vậy công tác đầu tư hạ tầng của ngành nông nghiệp nói chung và hạ tầng thủy lợi nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, Chính phủ, các Bộ, ngành và đầu tư từ các địa phương.
Như vậy, vị trí, vai trò của Cục Quản lý xây dựng công trình rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Phạm vi hoạt động của Cục Quản lý xây dựng công trình không chỉ giới hạn ở Bộ NN-PTNT mà còn trải rộng khắp cả nước, là đầu mối tham mưu cho Bộ không chỉ trong việc quản lý công trình mà còn phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành nông nghiệp, hướng dẫn về kỹ thuật cho các địa phương, đặc biệt là tham gia vào chuẩn bị đầu tư các dự án mang tính dài hạn.
Trong 20 năm qua, hệ thống hồ thủy lợi đã bảo đảm thêm được 6,5 tỷ m3 nước, diện tích tưới chủ động và diện tích các công trình thủy lợi đã tăng lên khoảng 1 triệu ha, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ được đưa vào công trình hồ đập, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng… đã trở thành nền tảng quan trọng để ngành nông nghiệp xây dựng những công trình lớn hơn.
Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Cục Quản lý xây dựng công trình tăng cường tham mưu cho Bộ xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thông tư, nghị định, hướng dẫn mang tính pháp quy để các địa phương, đơn vị cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, Cục cần tập trung cùng các đơn vị của Bộ tham mưu cho Bộ trong chuẩn bị đầu tư. Trong giai đoạn mới, những công trình vừa khó thi công xây dựng, vừa phải đảm bảo phát huy vai trò phụ vụ đa mục tiêu, cần nghiên cứu để đảm bảo các công trình góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay.