| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt bị cáo PVN hối hận xin cơ hội làm lại cuộc đời

Chủ Nhật 14/01/2018 , 11:18 (GMT+7)

Sáng 14/1, Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC).

Sau bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vào chiều hôm qua, đến lượt nguyên “bộ sậu” ở PVN gồm các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh… tự bào chữa.

Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN khẳng định, bản thân luôn tuân thủ nghị quyết của Hội đồng thành viên, làm việc có trách nhiệm, mọi chỉ đạo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN

Về cáo buộc cố ý chỉ đạo PVPower và PVC ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định, bị cáo Thực cho rằng mình không chỉ đạo PVPower và PVC ký hợp đồng thiếu căn cứ pháp lý. Quá trình thực hiện, có nhiều văn bản về hợp đồng bản thân bị cáo không nhận được, mong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại quy kết cáo buộc bị cáo cố ý làm trái quy định Nhà nước.

Bị cáo Thực bày tỏ băn khoăn là khi cơ quan điều tra trong kết luận khẳng định mình khai báo thành khẩn, song khi ra tòa, lại bị quy kết thiếu thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới. “Bị cáo mong HĐXX xem xét toàn diện vụ việc, cá thể hóa hành vi từng cá nhân để có hình phạt phù hợp. Quá trình cống hiến cho ngành dầu khí sau nhiều năm, đạt được nhiều thành tích, khi nghe bản luận tội của Viện KS với mức án 12 - 13 năm tù, bị cáo đã khóc và rất hối hận, vì không ngờ mức án lại nặng đến như vậy”, bị cáo này nói.

Tiếp theo, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN bào chữa cho bản thân rằng, quá trình điều tra, bản thân luôn thành khẩn khai báo, giao nộp nhiều tài liệu giúp cơ quan chức năng kết thúc điều tra sớm vụ án và mong HĐXX ghi nhận việc này. Bị cáo Khánh thể hiện thành khẩn nhận trách nhiệm của mình, dù sai phạm do cấp dưới gây ra. Trong quá trình bị giam giữ, bản thân ân hận nên nhờ luật sư làm việc với gia đình để nộp 2 tỉ đồng, dù chưa biết trách nhiệm hình sự, dân sự trong vụ việc đến đâu. “Bị cáo mong HĐXX dành cho bị cáo sự khoan hồng, độ lượng, giúp cho bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời", bị cáo Khánh nói trước toà.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó TGĐ PVN , tỏ ra thành khẩn thừa nhận sai phạm của mình.

“Đến khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết mình làm sai trong HĐ 33, mình là một trong những mắt xích trong cả quá trình, mà quá trình sai thì mình cũng sai. Bị cáo cũng tích cực hợp tác và nói với cơ quan điều tra rằng với trách nhiệm của mình tôi sẽ nói hết những gì tôi nhớ và biêt về vụ án này, giúp cơ quan điều tra nắm được đúng bản chất vụ án”.

Liên quan đến kết luận giám định, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng kết luận giám định không đủ cơ sở pháp lý để tính toán.

“Năm 2011 quy định của NHNN ban hành lãi suất cơ bản 9%, luật dân sự quy định cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản, bây giờ lấy mức 14% ngang với cho vay nặng lãi thì không ổn. Bị cáo tính nếu tính theo phương pháp lãi suất phát sinh thì thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng chứ không phải 150 tỷ đồng”, Nguyễn Xuân Sơn nói.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Hơn nữa, bị cáo Sơn cho rằng trong các vụ án hình sự, nếu truy xét thiệt hại thì phải truy đến cùng vị trí cuối cùng của dòng tiền, để xem dòng tiền đã đem lại hiệu quả và phải thu hồi cả gốc và lãi để bù trừ cho khoản thiệt hại này. Qua đó có thể thấy hiệu quả có thể cao hơn vì PVC đã trả nợ ngân hàng, giảm lãi vay.

Về hành vi tạm ứng tiền sai nguyên tắc, đó là nhóm cán bộ PVN và nhóm cán bộ BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2. Thực chất có 2 quy trình khác biệt nhau, quy trình PVN cấp vốn cho BQL là quy trình nội bộ. Nguyễn Xuân Sơn cho rằng việc tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2, và bị cáo Trần Văn Nguyên, nguyên Kế toán trưởng BQLDA.

Cùng với đó, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng nếu truy tố xét xử bị cáo Lê Đình Mậu, Phó Trưởng Ban Tài chính – Kế toán PVN thì không thỏa đáng.

“Kính mong HĐXX có xem xét đặc biệt đối với anh Lê Đình Mậu, tôi cho rằng trách nhiệm của anh Lê Đình Mậu thuộc về tôi và anh Ninh Văn Quỳnh. Trong nhóm lãnh đạo tập đoàn liên quan đến việc cấp vốn còn có anh Ninh Văn Quỳnh, nhưng anh Quỳnh thực hiện việc cấp vốn là theo chỉ đạo của tôi. Tôi ký tạm ứng tiền và tôi chịu trách nhiệm đến cùng”, Nguyễn Xuân Sơn nói.

Trong phần tự bào chữa của mình, Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng PVN, cũng xin HĐXX giảm nhẹ tội cho Lê Đình Mậu khi cho rằng Mậu chỉ làm theo chỉ đạo của Quỳnh.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh

Đặc biệt, Nguyễn Xuân Sơn cũng xin HĐXX xem xét không cách ly bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Phó Chủ tịch HĐQT PVC: “Trong vụ án này có bị cáo Quý là người gắn bó lâu năm trong ngành, có tư chất hiền lành, chủ yếu làm công tác đoàn thể, công tác Đảng. Nhưng trong cơ cấu tổ chức, những con người như bị cáo Quý vô tình rơi vào lòng lao lý, xin HĐXX xem xét không cách ly ra khỏi xã hội thì là điều mừng cho ngành dầu khí.”

Sau phần tự bào chữa của 22 bị cáo, đại diện Viện KSND Thành phố Hà Nội sẽ đối đáp với các luật sư.

Theo Viện KSND Tối cao, vụ án này là sai phạm điển hình của PVN trong những năm vừa qua. Bằng việc đầu tư góp vốn tràn lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, mang tính lợi ích nhóm đã gây thua lỗ, thất thoát vốn của nhà nước hàng ngàn tỷ đồng ở nhiều dự án khác, tạo tiền đề cho tham nhũng, lãng phí, thất thoát xẩy ra tại tập đoàn PVN. Việc đưa vụ án ra xét xử đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm đối với bất kỳ ai dù họ ở cương vị nào. Mọi hành vi vi phạm, nhất là hành vi tham nhũng đều phải bị xử lý, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, công lý phải được thực thi.


 

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.