"Không ai thực sự muốn đưa quân đến Ukraine cả. Tất nhiên, các cuộc thảo luận như vậy vẫn tiếp diễn, song chúng nên dừng lại", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khẳng định trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Phần Lan Antti Hakkanen hôm 8/3.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Hakkanen cũng đồng ý với phát biểu của người đồng cấp Đức, khẳng định không ủng hộ việc đưa quân tham chiến ở Ukraine.
Ông Pistorius cho rằng thay vì gửi quân đến tham chiến, phương Tây cần tăng cường cung cấp đạn dược và thiết bị quân sự cho quân đội Ukraine.
"Đức là nước ủng hộ Ukraine lớn thứ hai trên toàn thế giới, viện trợ nước này 7,5 tỷ euro (8,2 tỷ USD) chỉ trong năm nay", ông Pistorius nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng Berlin đã gửi "hệ thống phòng không, pháo, đạn dược, bất cứ thứ gì Ukraine cần".
Bộ trưởng Pistoris cũng cho biết Đức sẽ không gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, cho rằng đó sẽ là một bước đi quá xa.
"Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng tên lửa tầm xa sẽ không quyết định cuộc chiến đó", ông nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng Thủ tướng Olaf Scholz đã đặt ra "một ranh giới quyết định" mà chúng tôi sẽ không được bao giờ vượt qua.
Ở một diễn biến khác, trong cuộc phỏng vấn mới với đài truyền hình TVN24, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladysław Kosiniak-Kamysz đã tránh phát biểu về chính sách của toàn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với khả năng triển khai binh lính tới Ukraine. Tuy nhiên, ông khẳng định "quân đội Ba Lan sẽ không hiện diện ở Ukraine".
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine và tiếp tục duy trì việc này. Chúng tôi đang viện trợ cho Kiev thêm nhiều trang thiết bị", ông Kosiniak-Kamysz nói.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết thêm, Warsaw cũng hỗ trợ và tham gia vào tất cả các sáng kiến chung của NATO, chẳng hạn như cung cấp thông tin tình báo và huấn luyện cho các lực lượng Ukraine. Quan chức này mô tả Ba Lan là "quốc gia đi đầu cùng với Đức" trong liên minh cung cấp xe tăng và những phương tiện bọc thép khác cho Kiev.
Ông Kosiniak-Kamysz lưu ý, sự hỗ trợ lâu dài dành cho Ukraine có lợi cho chính Ba Lan và Warsaw coi đây là "khoản đầu tư cho an ninh của đất nước".
Trong Thông điệp Liên bang hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh rằng Kiev cần viện trợ quân sự và không đòi hỏi Washington triển khai binh sĩ hỗ trợ. "Họ không đề nghị gửi lính Mỹ. Trên thực tế, không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine. Và tôi quyết tâm giữ nguyên như vậy", ông Biden nói.
Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không thể ngăn cản Moscow đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự, đồng thời khẳng định điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với NATO.