Tháp tùng tàu cái là 2 tàu con và các tàu thuyền của ngư dân địa phương ra biển rước Ông |
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất ở tỉnh Cà Mau. Đây là dịp để người dân cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân cầu xin những chuyến ra khơi được bình an và đánh bắt được nhiều tôm, cá.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền, gìn giữ hàng trăm năm nay, nhằm tôn vinh loài cá Ông, ngư dân vùng biển còn gọi là Nam Hải đại tướng quân. Lễ hội diễn ra trong ba ngày 11, 12 và 13 tháng 3 năm hằng năm (nhằm ngày 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch) tại thị trấn Sông Đốc.
Sau khi xin keo xong, đoàn tàu sẽ quay về đất liền |
Trong ngày lễ chính 15/2 (âm lịch), chủ lễ cùng ban trị sự lăng Ông trang trọng thỉnh lư hương lên long đình, được 8 học trò lễ khiêng, đi cùng là các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí… ăn mặc lễ phục trang trọng. Khi đoàn diễu hành qua các khu dân cư, bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo, và cùng theo hầu lên tàu cái chạy ra biển.
Ban trị sự lăng Ông thắp nhang và tiến hành nghi thức xin keo |
Tháp tùng tàu cái là 2 tàu con và vô số các tàu thuyền của ngư dân địa phương. Đoàn tàu sẽ chạy ra biển theo hướng Hòn Chuối, đến khi nào đến lằn ranh nước trong thì người chánh lễ làm thu tục khấn vái, thắp hương và xin keo. Khi nào xin được keo thì tàu sẽ quay về và đem theo những lọ nước biển trong lành về lăng Ông thờ cúng.
Nhiều người dân thắp nhang cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều cá tôm |
Những lọ nước biển trong lành được mang về lăng Ông thờ cúng |
Ông Trần Minh Đặng, Phó vạn lăng Ông, cho biết: “Ngày cúng Ông là ngày hội của người dân vùng biển, đây là một lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, biểu hiện cho tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để bà con làm nghề biển cầu mong một năm làm ăn phát đạt, cùng nhau vượt khó vươn lên chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên”.