| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm hồ đập xuống cấp, Đắk Lắk thiếu kinh phí sửa chữa

Thứ Sáu 26/08/2022 , 08:28 (GMT+7)

Hàng trăm hồ đập xuống cấp, mất an toàn trong mùa mưa bão tại Đắk Lắk cần được nâng cấp, sửa chữa nhưng địa phương này thiếu kinh phí.

116 hồ đập hư hỏng, xuống cấp

Những ngày gần đây, Đắk Lắk liên tiếp có mưa lớn xảy ra tại các địa phương do bị ảnh hưởng của ấp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, các hồ đập xuống cấp tại Đắk Lắk được đầu tư, xây dựng từ hàng chục năm trước nên hiện hư hỏng nghiêm trọng.

Nhiều công trình hồ đập tại Đắk Lắk xuống cấp, thấm nước ở thân. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều công trình hồ đập tại Đắk Lắk xuống cấp, thấm nước ở thân. Ảnh: Quang Yên.

Hồ thủy lợi Ea Ksuy, xã Ea Tân (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có dung tích khoảng 680.000 m3. Đây là nơi cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Ea Tân, mà còn phục vụ tưới tiêu hơn 100ha cây trồng trên địa bàn và vùng lân cận.

Hồ Ea Ksuy được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại thân đập có nhiều điểm thấm nước, nứt, gãy, xói lở hàm ếch.

Ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý các công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, trong 352 công trình hồ chứa nước trên toàn tỉnh do đơn vị đang quản lý thì đa số đã xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, 69 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, 7 hồ chứa mất an toàn và 3 hồ chứa mất an toàn cao.

Theo ông Hạnh, trước mùa mưa, đơn vị đã kiểm tra, rà soát tất cả các công trình hồ chứa, đồng thời có báo cáo gửi UBND tỉnh, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về các công trình có nguy cơ mất an toàn để lên phương án duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, về lâu dài ông Hạnh cho biết, các công trình này cần có nguồn kinh phí xây dựng lại để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ “bom nước” vỡ vào mùa mưa.

Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá đập, hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa năm 2022. Theo đó, Đắk Lắk có 615 đập, hồ chứa nước thủy lợi, nhưng hiện nay có 116 đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp.

Trong đó, 5 công trình hư hỏng không thể tích nước do UBND huyện M’Drắk tiếp quản từ Tổng Công ty cà phê Việt Nam. Ngoài ra hồ Phù Mỹ, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo hạn chế tích nước.

Theo Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi Đắk Lắk đến thời điểm hiện tại, các đập, hồ chứa nước thủy lợi hư hỏng, xuống cấp khá nhiều, chiếm 18,86 % so với tổng số đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Nhiều tuyến kênh, bờ sông tại Đắk Lắk bị sạt lở. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều tuyến kênh, bờ sông tại Đắk Lắk bị sạt lở. Ảnh: Quang Yên.

Tình trạng công trình hư hỏng, xuống cấp chủ yếu do thấm qua thân đập, sạt lở mái đập, thiết bị tiêu nước hạ lưu đập hư hỏng; tràn xả lũ và bể tiêu năng tràn hư hỏng, thấm theo tường bên tràn; cống lấy nước, tiêu năng sau cống và cửa van cống hư hỏng, thấm theo tường bên cống; một số hồ chứa nước khả năng tháo lũ kém.

Cần kinh phí lớn để sửa chữa

Theo Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi tỉnh Đắk Lắk trong tổng số đập, hồ chứa nước thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có 34 công trình đã được bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa và 82 công trình chưa bố trí kinh phí. Các đập, hồ chứa nước thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, khả năng tháo lũ kém, về cơ bản tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Vừa qua, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các công trình thủy lợi tại Đắk Lắk được đầu tư hàng chục năm, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Yên.

Các công trình thủy lợi tại Đắk Lắk được đầu tư hàng chục năm, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Yên.

Cụ thể, HĐND quyết định chủ trương đầu tư 8 dự án nâng cấp, sửa chữa hồ chứa trên địa bàn, gồm: dự án nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Ea Dong, huyện Buôn Đôn; dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Phù Mỹ, huyện Ea H’leo; dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Thanh Niên, huyện Krông Năng; dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Ea Má và dự án nâng cấp công trình thủy lợi hồ Cư Króa 1, huyện M’Drắk; dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa Buôn Pu Huch, dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Ông Đồng và dự án sửa chữa hồ C9, huyện Krông Pắc.

Các dự án trên có tổng mức đầu tư là 134,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 123 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 11,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2022-2023.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, địa phương mới bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa được 77 công trình hồ chứa nhưng chủ yếu là công trình nhỏ. Đối với các công trình có quy mô lớn, hư hỏng nặng, UBND tỉnh đã gửi đề xuất tới Bộ NN-PTNT, Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp. 

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh tế đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và sau 2025 từ nguồn của Bộ, chương trình, dự án phòng chống thiên tai, các dự án ODA và các nguồn đầu tư khác.

HĐND tỉnh Đắk Lắk đã bố trí sữa chữa 8 công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Yên.

HĐND tỉnh Đắk Lắk đã bố trí sữa chữa 8 công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Yên.

Cụ thể năm 2014, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết về an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh, đây là cơ sở để xem xét, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hiện nay mới đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 77/307 hồ đập, đạt tỷ lệ khoảng 25%. Hiện còn nhiều danh mục hồ đập trong Nghị quyết chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt là các công trình hồ chứa có quy mô lớn, tình trạng hư hỏng nặng cần phải sửa chữa gấp.

Tỉnh Đắk Lắk đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí đầu tư xây mới, sửa chữa và nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021 - 2025 và sau 2025 theo Nghị quyết về an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh, Quy hoạch của tỉnh và Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ NN-PTNT phê duyệt. Trong đó, Bộ NN-PTNT ưu tiên các công trình có quy mô lớn, tình trạng hư hỏng nặng cần phải sửa chữa gấp với tổng kinh phí 25.602 tỷ đồng.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.