| Hotline: 0983.970.780

Cần nguồn kinh phí hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp hồ chứa hư hỏng

Thứ Hai 01/11/2021 , 13:47 (GMT+7)

Nhiều hồ chứa, công trình thủy lợi ở Quảng Ngãi đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa lại gặp nhiều khó khăn.

Nguy cơ mất an toàn từ những hồ đập lâu năm

Cũng như các tỉnh thành khác ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi luôn thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều năm trở lại đây cứ đến vụ sản xuất hè thu, tỉnh này lại đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới. Có những năm, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán lên đến gần 7.000ha.

Tỉnh Quảng Ngãi có 124 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó nhiều hồ đã xây dựng từ lâu nên xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Ngãi có 124 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó nhiều hồ đã xây dựng từ lâu nên xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: L.K.

Đặc biệt, tại những địa phương như thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) thì việc thiếu nước trong vụ hè thu xảy ra thường xuyên. Một số vùng phải thực hiện chuyển đổi từ lúa sang các loại loại cây màu khác hoặc thậm chí bỏ hoang. Thực tế này cho thấy, việc đảm bảo nước tưới là vô cùng quan trọng. Lúc này, vai trò của các công trình thủy lợi, hồ chứa lại đặt lên hàng đầu.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, toàn tỉnh này có 788 công trình thủy lợi (gồm 124 hồ chứa, 521 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 137 trạm bơm) và trên 56km kè lát mái; gần 92km đê sông, đê biển và cửa sông...Tuy nhiên, có đến gần 200 công trình đã xây dựng từ rất lâu (khoảng thập niên 70, 80) nên đã xuất hiện những hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và phần lớn hệ thống đê, kè chưa được kiên cố...  

Trong khi đó, hàng năm Quảng Ngãi cũng phải đối mặt với nhiều đợt bão, lũ, mưa lớn. Những tác động từ thiên tai này cùng với việc hồ đập bị hư hỏng, mất an toàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như cuộc sống của người dân ở vùng hạ du. Do đó, việc thường xuyên kiểm tra, sửa chữa nâng cấp các hồ đập đã xuống cấp là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết, trong đợt kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ đập trước mùa mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh này có 18 công trình hồ chứa nước đã xuống cấp, hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, địa phương lại gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí để sửa chữa.

Theo đó, thực trạng các công trình hư hỏng, xuống cấp ở các hạng mục như: Đập đất kích thước mặt cắt ngang không bảo đảm do mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết bị hư hỏng, nền và thân đập đất bị thấm lớn có nguy cơ gây mất ổn định đập, không có vật thoát nước hạ lưu đập.

Ngoài ra, tràn xả lũ ở các hồ chứa hư hỏng này đa số là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa nên bị xói lở. Một số tràn xả lũ làm bằng bê tông hoặc đá xây do xây dựng đã lâu, nay bị xói lở và hư hỏng bể tiêu năng. Cống lấy nước bị rò rỉ dọc thân cống, cửa van đóng mở cống bị hư hỏng…

Do đó, đối với các công trình có khả năng gây mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ 2021, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc và các địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện hư hỏng và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình theo phương châm "bốn tại chỗ".

Việ nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa xuống cấp không chỉ đáp ứng yêu cầu tích nước mà còn đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Ảnh: L.K. 

Việ nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa xuống cấp không chỉ đáp ứng yêu cầu tích nước mà còn đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Ảnh: L.K. 

Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống, cũng như chỉ đạo các đơn vị tăng cường bảo dưỡng thiết bị công trình liên quan đến vận hành cửa van xả lũ, hệ thống đập, hệ thống phát điện dự phòng. Về phía chính quyền các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác để thường xuyên kiểm tra, kịp thời tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều, nhất là các điểm xung yếu, chuẩn bị tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó khi lũ lớn xảy ra.

Khắc phục dần những hư hỏng, tạm thời đảm bảo an toàn

Giai đoạn 2016 – 2022, tỉnh Quảng Ngãi được Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) nhằm bảo vệ người dân và tài sản ở vùng hạ du hỗ trợ kinh phí hơn 337,7 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ODA gần 320 tỷ đồng (trung ương cấp phát 75% còn tỉnh vay lại 25%) và vốn đối ứng của tỉnh gần 17,8 tỷ đồng nhằm tu bổ, nâng cấp 19 hồ chứa trên địa bàn gồm 1 hồ chứa lớn là hồ Liệt Sơn (hồ cấp 2 tại thị xã Đức Phổ) dung tích gần 25 triệu m3 và 18 hồ nhỏ có dung tích từ 200.000 đến dưới 1 triệu m3.

Ông Huỳnh Khương, Giám đốc Ban quản lý dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các hồ trong dự án này hầu như đều làm theo công nghệ cũ không được xử lý thấm nên hiện trạng trước khi sửa chữa đều bị thấm thân đập, mất nước. Bên cạnh đó, những hồ chứa này là do người dân tự làm nên quy mô công trình chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện nay. Ngoài ra, cống lấy nước hư hỏng, tràn xả lũ chủ yếu gia cố bằng đá xay hoặc đất nên khả năng thoát lũ không đảm bảo.

“Mặc dù vậy, từ trước đến này các hồ này vẫn chưa xảy ra sự cố gì mà chỉ bị mất nước, nguy cơ mất an toàn cao. Trong khi đó, phía dưới hạ lưu của các hồ cũng có nhiều khu dân cư nên cần nhanh chóng khắc phục, sửa chữa. Biện pháp sửa chữa chủ yếu là gia cố lại mái đập bằng bê tông hoặc bằng đá lát, làm mới cống và mở rộng tràn xả lũ đồng thời xử lý tình trạng thấm thân đập”, ông Khương nói.

Dù nhiều hồ chưa không đảm bảo an toàn nhưng tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn về kinh phí sửa chữa. Ảnh: L.K.

Dù nhiều hồ chưa không đảm bảo an toàn nhưng tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn về kinh phí sửa chữa. Ảnh: L.K.

Cũng theo ông Khương, Dự án WB8 được triển khai ở Quảng Ngãi được chia làm 3 tiểu dự án bao gồm: tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa nước Đập Làng (huyện Nghĩa Hành) thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2018 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tiểu dự án sữa chữa, nâng cao an toàn đập giai đoạn 1 gồm 10 hồ chứa thi công trong vòng 18 tháng (từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2020) cũng đã hoàn thành. Hiện nay, đơn vị này đang triển khai thực hiện tiểu dự án giai đoạn 2 với 8 hồ. Thời gian bắt đầu từ tháng 7/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022.

“Giai đoạn 2 có 8 hồ gồm 5 hồ ở huyện Bình Sơn, 1 hồ ở huyện Sơn Tịnh và 2 hồ ở thị xã Đức Phổ. Các hồ này hiện nay đã thi công đạt khối lượng từ 40 – 45%. Đặc biệt, hồ Hố Vàng (huyện Bình Sơn) đã được 70% và hồ Hóc Cày (thị xã Đức Phổ) đã được 70 – 75%.

“Với các hồ trong giai đoạn 2, chúng tôi ưu làm đập, cống và tràn để chống lũ. Hầu hết các hồ đều đã xong phần đập và cống. Còn tràn xả lũ thì một số hồ vẫn chưa hoàn thành. Những hồ chưa hoàn thành phần tràn đều không ảnh hưởng đến việc xả lũ nên sẽ thi công sau. Số hồ còn lại thì có thể thực hiện nhiệm vụ tích nước, thậm chí có những hồ đã tích đầy. Nói chung là tất cả đều đảm bảo an toàn qua mùa lũ năm nay”, ông Khương thông tin thêm.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, qua rà soát cơ cấu nguồn vốn đầu tư, dự kiến giải ngân vốn WB8 đến 30/6/2022 và khi hoàn thành dự án thì tỉnh này đã xin kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm 20,5 tỷ xuống còn hơn 317 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA giảm xuống còn 287,5 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh tăng lên 52,2 tỷ đồng.

Lý do của việc tăng, giảm này là do trong quá trình thực hiện dự án, nguồn vốn đối ứng được Bộ NN-PTNT phê duyệt quá ít, không đủ thanh toán các khoản mục chi phí trong sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án; vốn đối ứng chủ yếu sử dụng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mình vật nổ, quản lý dự án…Ngoài ra, phần kinh phí kết dư trong đấu thầu thi công xây dựng và kinh phí dự phòng không sử dụng hết của tiểu dự án nên tổng vốn đầu tư giảm, tiết kiệm được nguồn vốn ODA.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã gửi văn bản số 1354/UBND – NNTN đến Bộ NN-PTNT về việc tham gia dự án vay vốn WB giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến, tổng vốn đầu tư là 500 tỷ đồng. Trong đó vốn ODA là 450 tỷ đồng và vốn đối ứng là 50 tỷ đồng. Trong đó 350 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 17 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp; 105 tỷ đồng nhằm kiên cố hóa 30km thuộc hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham và 30km hồ chứa nước Liệt Sơn kết hợp hiện đại hóa vận hành hệ thống tưới. Còn lại 45 tỷ đồng phục vụ cho việc kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước cho 38 hồ chứa nước lớn, vừa và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập. hồ chứa nước và công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.