Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 60 hồ chứa nước, dung tích chứa đạt từ 0,1 đến 4 triệu m3. Trong đó, hồ có dung tích lớn hơn 3 triệu m3 là 3 hồ, còn lại 57 hồ có dung tích nhỏ hơn 3 triệu m3. Vị trí các hồ chủ yếu năm trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Ngoài ra nằm rải rác tại một số huyện Đồng Văn, thành phố Hà Giang, huyện Yên Minh.
Nhiệm vụ chủ yếu của các hồ thủy lợi ở Hà Giang là tích nước cho công tác nuôi trồng thủy sản và phục vụ tưới tiêu, sản xuất. Chức năng phòng lũ cho hạ du của các hồ thủy lợi không lớn. Do được đầu tư xây dựng từ lâu nên ngoài các hồ đã được sửa chữa, các hồ còn lại cơ bản đã bị hư hỏng, xuống cấp; phần mái thượng hạ lưu có nhiều cây bụi, cỏ mọc nứt nẻ rò rỉ, thấm qua thân đập. Một số hồ đập không có lăng trụ thoát nước hạ lưu cống lấy nước xuống cấp, tràn xả lũ là tràn đất…
Những hồ đập bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng nhất trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện nay là: Hồ Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, có dung tích lớn hơn 3 triệu m3. Hồ không có thiết bị tiêu nước, lòng hồ bị bồi lắng nhiều, chân tràn bị xói lở. Hồ Trung Thành, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên có dung tích lớn hơn 0,5 triệu m3. Hồ không có thiết bị tiêu nước, phần mái và thượng lưu đập bị sụt lún, rỗng…
Cải tạo, nâng cấp hệ thống hồ đập thủy lợi, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh Hà Giang có 25 hồ được nâng cấp, sửa chữa. Trong đó đã có 6 hồ đã nâng cấp, sửa chữa xong gồm: Hồ Nà Há, hồ Thanh niên, hồ Chả Phường, hồ Khuổi Phầy, xã Hùng An, huyện Bắc Quang; hồ Khuổi Mỳ, xã Bình Yên và hồ Bế Chiều, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang. 19 hồ còn lại đang được triển khai hoàn thiện hồ sơ thủ tục và xây dựng.
Ông Lê Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Giang cho biết, đảm bảo an toàn hồ đập, tỉnh Hà Giang đã triển khai việc cắm mốc phạm vi bảo vệ 12/60 công trình hồ đập; lắp thiết bị quan chắc 10/60 công trình; lập hồ sơ đập, hồ chứa 10/60 công trình; lập quy trình vận hành hồ chứa 12/60 công trình… Qua các hoạt động này nhằm kiểm soát việc xâm lấn lòng hồ của các tổ chức, cá nhân tại địa phương cũng như diễn tiến an toàn của các công trình nhằm có giải pháp ứng phó kịp thời với nhưng hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng.
Ngoài các hồ thủy lợi chứa nước thì không ít đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng bị xuống cấp. Tại thôn Trung và thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên có 2 công trình đập thủy lợi bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đập thủy lợi thôn Chang, được đầu tư xây dựng đã góp phần cung cấp nước cho 45ha lúa, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt của hơn 500 người dân xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Do sử dụng đã nhiều năm cộng với trận lũ lịch sử vào tháng 6 năm 2020, đến nay, đập đã bị vỡ, gẫy đổ nhiều đoạn dẫn đến thiếu hụt nước sản xuất, nhất là vào mùa khô. Để có đủ nước sản xuất, người dân trong thôn đã tự đóng bao tải đất, đá để kè, bít các khe hở nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông Nguyễn Đức Long, người dân thôn Trung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên cho biết, 2 công trình thủy lợi này góp phần đảm bảo tưới tiêu và sinh hoạt chính cho người dân địa phương. Mới đây, đập thủy lợi thôn Trung đã được đầu tư nâng cấp sửa chữa thân đập cũng như hệ thống kè dọc bờ suối. Tuy nhiên đập thủy lợi thôn Chang đã hư hỏng từ lâu nhưng vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa ảnh hưởng lớn đến việc lấy nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Một trong những khó khăn trong công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng đảm bảo an toàn hồ đập ở Hà Giang hiện nay là phần lớn các công trình đều nhỏ lại được xây dựng lâu đời, nhiều hạng mục công trình đã lạc hậu, xuống cấp. Nhiều công trình do hồ sơ gốc bị thất lạc gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, kê khai, cắm mốc.