| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm nghìn khối bùn, đất thải dự án Cầu Rào 1 đi đâu?

Thứ Sáu 17/09/2021 , 07:23 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Những chiếc xe tải chở đầy bùn đất từ trong dự án Cầu Rào 1 nối đuôi nhau di chuyển ngày đêm về khu vực quận Dương Kinh, Đồ Sơn hoặc An Dương.

[Bài 1] Theo chân những đoàn xe 'ăn thải' dự án

Dự án cầu Rào 1 ở Hải Phòng do liên danh 4 nhà thầu thi công gồm: Tổng Công ty dầu khí Thăng Long, Công ty Cổ phần tập đoàn HJC, Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long và Công ty CP Xây dựng 203.

Dự án có 28 trụ và mố cầu, quá trình thực hiện đơn vị dự kiến sẽ đổ thải hàng trăm nghìn khối bùn, đất, rác thải rắn và rác thải độc hại phát sinh trong quá trình thi công.

Dự án Cầu Rào 1 có khối lượng bùn, đất và phế thải phải đổ bỏ rất lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Dự án Cầu Rào 1 có khối lượng bùn, đất và phế thải phải đổ bỏ rất lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Dự án thuộc đối tượng đăng ký Bảo vệ môi trường, do đó, nhà thầu thi công phải phải thu gom, phân loại và hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý toàn bộ chất thải rắn, chất thải nguy hại, bùn đất trong quá trình thi công và đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo đúng quy định.

Tuy nhiên, thời gian qua, Báo NNVN nhận được thông tin phản ánh cho biết, từ khi dự án được khởi công, với khối lượng công việc lớn, hàng chục xe trọng tải lớn, nhỏ được huy động chở bùn, đất thi công để hoàn thành tiến độ nên việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ cũng như bảo vệ môi trường hầu như bị bỏ qua.

Ghi nhận thực tế trong tháng 7-8/2021, khi đơn vị thi công khoan một số trụ cầu phía Dương Kinh và phía Bến xe Cầu Rào (cũ), hàng chục xe tải lớn nhỏ như: xe Khánh Béo, Kim Khánh, Hiểu Minh… chở bùn, đất từ dự án Cầu Rào 1 chạy thẳng về những bãi tập kết tự phát hoặc 1 dự án san lấp mặt bằng mà không thấy đưa về bất cứ 1 khu xử lý chất thải nào của TP Hải Phòng.

Những chiếc xe này sau khi chở đầy bùn, đất sẽ hướng về phía quận Dương Kinh hoặc Đồ Sơn để đổ. Ảnh: Đinh Mười.

Những chiếc xe này sau khi chở đầy bùn, đất sẽ hướng về phía quận Dương Kinh hoặc Đồ Sơn để đổ. Ảnh: Đinh Mười.

Theo quan sát, lượng bùn, đất sau khi khoan sẽ được để một thời gian nhất định cho khô, sau đó khi đưa lên xe bịt kín rồi tiếp tục được chờ cho ráo nước rồi mới chạy về các địa điểm đã định sẵn tại khu vực phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, dọc đường World Bank hoặc khu vực Đồi Rồng, Đồng Nẻo, quận Đồ Sơn để đổ.

Theo chân chiếc xe mang BKS: 16M-634xx, xe mang BKS 14C-023.9x và chiếc xe mang lô gô Khánh Béo mang biển BKS: 29C-xxxx8 (x là phần đã bị bùn che mờ) PV Báo Nông nghiệp Việt Nam được tận mắt chứng kiến "đường đi nước bước" của đất đai, bùn thải từ dự án Cầu Rào 1.

Không giống như những đoàn xe chở chất thải đã được báo chí phản ánh trước đây, những chiếc xe chở đầy bùn, đất từ dự án Cầu Rào 1 hoạt động khá tinh vi.

Sau quá trình lưu thông rất chậm chạp trên đường và liên tục giữ khoảng cách cũng như đổi vị trí cho nhau, chiếc xe tải chở bùn đất mang BKS: 16M-634x (bị bùn che mờ) thì hướng đến khu vực dự án Đồi Rồng và dừng tại khu vực đang san lấp.

2 chiếc xe ô tô chở bùn, đất từ dự án Cầu Rào 1, sau đó 1 chiếc đổ tại phường Hòa Nghĩa còn 1 chiếc chạy vào đổ tại dự án Đồi Rồng. Ảnh: Đinh Mười.

2 chiếc xe ô tô chở bùn, đất từ dự án Cầu Rào 1, sau đó 1 chiếc đổ tại phường Hòa Nghĩa còn 1 chiếc chạy vào đổ tại dự án Đồi Rồng. Ảnh: Đinh Mười.

Chiếc xe BKS 14C-023.9x thì về khu vực Đồng Nẻo đổ bùn, đất vào buổi tối. Còn chiếc xe bùn đất đã che kín BKS và mang logo Khánh Béo thì hướng về khu vực phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh để san lấp mặt bằng cho người dân, ngay gần khu vực UBND phường.

Tiếp tục bám theo những chiếc xe chở bùn, đất từ dự án Cầu Rào 1, một điều dễ nhận thấy, những chiếc xe này đều có điểm đổ thải chung đó là tại các địa điểm trên, không thấy xe chạy về khu xử lý chất thải nào của TP Hải Phòng.

Quan sát nhiều ngày cho thấy, các bãi đất trống tại tại những nơi đã nói trên, không chỉ là bãi đáp bùn thải của dự án Cầu Rào 1 mà còn nhiều dự án khác đang thi công trên địa bàn Hải Phòng. Chủ những đoàn xe này sẽ mua bùn đất, vôi thầu gạch vỡ,... dự án với giá từ 15-20.000 đồng/m3, sau đó bán lại cho người dân để san lấp mặt bằng với giá giao động từ 40-50.000 đồng/m3, hoặc có thể cao hơn.

Đã có hàng nghìn m3 bùn đất được các xe tải này chở đến những địa điểm trên đổ và việc này không theo bất kỳ quy tắc nào. Đơn cử như tại các phường Minh Đức, Ngọc Xuyên, Hòa Nghĩa,... những đồng ruộng bỏ hoang, hoặc bãi đất trống bỗng dưng trở thành một bãi đáp bùn thải lớn khi mỗi ngày có hàng chục chuyến xe đổ thải về đây, việc này diễn ra trong 1 thời gian dài.

Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương. Anh T., một người dân ở phường Hòa Nghĩa chia sẻ, việc xe chở bùn, đất về đổ tại địa bàn phường diễn ra đã lâu, không phải mới đây. Do bụi bẩn, mất an toàn giao thông nông thôn nên đã có nhiều kiến nghị nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Đoạn đường Phạm Văn Đồng ngay sát dự án Cầu Rào 1 luôn trong tình trạng bùn đất vương vãi, lao công phải quét thường xuyên. Ảnh: Đinh Mười.

Đoạn đường Phạm Văn Đồng ngay sát dự án Cầu Rào 1 luôn trong tình trạng bùn đất vương vãi, lao công phải quét thường xuyên. Ảnh: Đinh Mười.

“Việc này diễn ra đã lâu, không phải 1 xe mà nhiều xe chở bùn đất về san lấp hoặc tập kết bùn đất tại đây. Chú nhìn xem, bùn đất vương vãi đầy ra đường, cứ đứng ở cây đa He, những đoàn xe chạy qua sẽ bấm còi inh ỏi là biết ngay. Những ngày mưa thì bùn đất, còn ngày nắng thì bụi bẩn, chúng tôi rất khó chịu về vấn đề này”, anh T., bức xúc.

Tiếp tục theo chân các xe tải đổ trộm bùn đất, PV đã bắt quả tang ít nhất hàng chục chuyến xe khác đang đổ trộm bùn thải, đất từ các dự án tại nhiều địa điểm khác nhau trên trục đường Phạm Văn Đồng, trong đó đa số là những chiếc xe đi ra từ dự án Cầu Rào 1.

Điều đáng nói là hoạt động đổ bùn, đất, phế thải dự án diễn ra khá nhanh, không gặp bất kỳ trở ngại nào, trong khi đó, các cơ quan chức năng trên địa bàn nằm gần khu vực này chưa thấy có động thái ngăn cản hay xử lý suốt thời gian PV bám theo những chiếc xe tải nói trên.

Clip liên quan đến việc đổ bùn, đất, phế thải dự án Cầu Rào 1 do PV Báo NNVN ghi nhận.

Theo Ban điều hành dự án Cầu Rào 1, việc vận chuyển bùn đất, chất thải dự án, các đơn vị liên danh nhà thầu đã ký hợp đồng với 2 đơn vị vận chuyển là Công ty TNHH TM VT Hiểu Minh (Công ty Hiểu Minh) và Công ty CP Thương mại Kim Khánh (Công ty Kim Khánh), mỗi đơn vị vận chuyển  khoảng 1 nửa khối lượng bùn, đất, phế thải từ công trình.

Theo cam kết của nhà thầu thi công với chủ đầu tư dự án Cầu Rào 1, toàn bộ chất thải rắn, chất thải nguy hại trong quá trình thi công, Nhà thầu phải thu gom, phân loại và hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo đúng quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan. Nhà thầu phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình thi công.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.