Tiến hành kiểm tra, xem xét hồ sơ đánh giá mức độ đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT Nghệ An đối với một số cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Chương, mới đây Chi cục Thủy lợi đã có đánh giá bước đầu, qua đó cho thấy vai trò của “thủy lợi” trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương có 7 hồ chứa nước thủy lợi (1 hồ do Công ty TNHH thủy lợi Thanh Chương quản lý, 6 hồ do UBND xã quản lý).
Theo kế hoạch năm 2023, toàn xã có khoảng 154 ha diện tích được hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, trong đó tưới chủ động 1 phần là 18 ha, rau màu hơn 12 ha, nuôi trồng thủy sản 6,7 ha; diện tích tiêu thoát nước khu vực nông thôn và vùng đô thị 29 ha…
Không chỉ phục vụ nhu cầu tưới, tiêu cho lĩnh vực nông nghiệp, tiêu chí số 3 còn góp phần nâng cao khả năng phòng chống thiên tai (PCTT) dựa trên phương châm "4 tại chỗ". Hàng năm UBND xã Thanh Thủy đều xây dựng phương án ứng phó bằng cách thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên (Quyết định số 177/QĐ-UBND về việc kiện toàn đội xung kích PCTT gồm 64 thành viên; Phương án số 394/PA-UBND về PCTT các công trình thủy lợi trên địa bàn…)
Tại xã Thanh Đồng chức năng của thủy lợi còn thể hiện đậm nét hơn, ghi nhận trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp nơi đây được tưới và tiêu chủ động.
Đặc biệt, trên địa bàn có Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thanh Đồng triển khai theo mô hình mới, cách thức rất quy củ và đồng bộ. HTX có đầy đủ ban bệ (đội đồng quản trị, ban giám sát, bộ phận giúp việc, tổ thủy nông), quá trình hoạt động thực sự hiệu quả, thể hiện qua con số 840 thành viên tham gia. Đáng nói, đây chính là bộ phận trực tiếp sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi công ích.
Để đảm bảo công khai, minh bạch và có sự ràng buộc giữa các bên, ngay từ đầu vụ HTX Thanh Đồng đã tiến hành ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi với các xóm thông qua đội ngũ xóm trưởng, là người đại diện pháp lý. Cứ thế, qua mỗi lần bơm tưới đều chủ động mời bộ phận này trực tiếp đến kiểm tra, giám sát, đánh giá, từ đó tiến tới nghiệm thu.
Trong kế hoạch và lộ trình hoạt động, HTX Thanh Đồng đều sử dụng nguồn kinh phí được cấp bù sử dụng sản phẩm công ích thủy lợi để tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc hư hỏng và nạo nét hệ thống kênh mương, luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tưới, tiêu khi có yêu cầu.
Không chỉ có thế, các thành viên của HTX còn được hưởng lợi thông qua chính sách cung ứng giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm (lúa khô, ngô sinh khối, ngô ngọt) vốn được gắn kết chặt chẽ với những đối tác truyền thống (Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH giống cây trồng Nghệ An, Công ty CP VTNN Thanh Chương).
Xuất phát từ điều kiện đặc thù, thường xuyên phải hứng chịu mưa bão, lốc xoáy, lũ, ngập lụt, UBND xã Thanh Đồng hiểu rằng phải chủ động trong công tác PCTT & TKCN, qua đó lường trước những tình huống cấp bách để luôn đi trước một bước, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy. Điều này được thể hiện rõ qua Quyết định số 512/QĐ-UBND ngày 13/12/2021 về việc phê duyệt kế hoạch PCTT trên địa bàn xã giai đoạn 2021 – 2025.
Cẩn trọng không thừa bởi Thanh Đồng là một trong những địa phương thường đối mặt với thiên tai, mưa bão. Bằng chứng, từ ngày 18/3/2023 – 26/5/2023 toàn xã thường xảy ra mưa lớn, một số thời điểm gây ngập lụt nặng, qua đó nhấn chìm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của bà con. Trước diễn biến tình trên, UBND xã đã khẩn trương đưa ra thông tin cảnh báo, đồng thời gấp rút triển khai phương án ứng phó nhằm đảo bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Chương khẳng định: Thanh Chương có địa hình khá phức tạp, thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời gian gần đây. Nhờ quá trình vận hành hiệu quả của các công trình thủy lợi nên giảm tải được một phần áp lực, diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đến 80 - 90%. Bên cạnh đó, tỷ lệ cây trồng chủ lực của địa phương qua áp dụng tưới tiên tiến đã tiết kiệm trên 35% nước.
Trong năm 2023 Nghệ An xây mới được thêm 188 km kênh mương, lũy kế từ khi triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành tổng cộng 3.537 km kênh mương các loại, chư kể cải tạo, nâng cấp hàng trăm công trình thuỷ lợi khác (trạm bơm phục vụ tưới tiêu, bờ bao, cống…). Tổng kinh phí đầu tư đạt trên 3.429 tỷ đồng.