Hành vi dùng nhục hình để lấy lời khai, đã dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng cho cộng đồng. Thế nhưng, vì áp lực công việc hoặc vì sốt ruột thành tích, hành vi dùng nhục hình vẫn xảy ra ở một số đơn vị thực thi pháp luật. Không thể lấp liếm một sự thật đáng chua xót là chính hành vi dùng nhục hình trong quá trình điều tra đã dẫn đến hệ lụy oan sai và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng công dân.
Vì vậy, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM ngày 27/9 đã tuyên phạt mức án nặng hơn sơ thẩm đối với hai bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng (cựu đội phó đội điều tra Công an thành phố Cao Lãnh) và Phạm Xuân Bình (cựu cán bộ đội điều tra Công an thành phố Cao Lãnh). Sự việc diễn ra cách đây 11 năm. Vào ngày 16/11/2012, sau khi bắt được nghi phạm Nguyễn Tuấn Thanh là đối tượng nằm trong chuyên án trộm cắp xe máy, Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình đã thay nhau tra khảo bằng sự thị uy vượt quá giới hạn. Nghi phạm Nguyễn Tuấn Thanh được trả về trại giam với nhiều vết bầm tím.
Hôm sau, ngày 17/11/2012, nghi phạm Nguyễn Tuấn Thanh qua đời với nguyên nhân được xác định “suy tuần hoàn cấp không hồi phục trên nạn nhân bị chấn thương do tác động của vật tày với lực tác động mạnh ở nhiều vùng cơ thể, trong đó có vùng nguy hiểm là vùng mũi ức, thượng vị”. Do đó, Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình bị đình chỉ chức vụ và bị khởi tố về tội “dùng nhục hình”.
Ở phiên tòa sơ thẩm, Huỳnh Ngọc Tòng nhận mức án 24 tháng tù và Phạm Xuân Bình nhận mức án 18 tháng tù. Ở phiên phúc thẩm, hội đồng xét xử cho rằng, cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ tuyên xử các bị cáo dưới mức khởi điểm của khung hình phạt là không tương xứng mức độ, tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM tuyên phạt Huỳnh Ngọc Tòng mức án 5 năm 6 tháng tù và Phạm Xuân Bình mức án 5 năm tù.
Hành vi dùng nhục hình để lấy lời khai, chưa bao giờ được xem là phương pháp điều tra chính thống ở mọi xứ sở pháp trị. Khoản 1 Điều 20 trong Hiến pháp nước ta nêu rõ “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” nên tội dùng nhục hình được quy định cụ thể tại Điều 373 Bộ Luật Hình sự.
Đồng thời, để ngăn chặn hành vi dùng nhục hình gây ảnh hưởng hoạt động tư pháp và gây bức xúc dư luận xã hội, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số126/2020/TT-BCA để hướng dẫn việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân.
Sự nghiêm khắc của phiên xét xử vừa diễn ra ở Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM, trực tiếp khẳng định hành vi dùng nhục hình không được phép tồn tại nữa. Thời đại văn minh, để điều tra và kết tội một con người không thể dùng thủ đoạn tinh vi hoặc khuất tất để bức cung. Với đội ngũ công an đã đào tạo bài bản và ngày càng tinh nhuệ, thì nhất định phải vận hành nghiệp vụ pháp chứng hoặc pháp y để có “bằng chứng thép” khiến những kẻ phạm tội cúi đầu “tâm phục khẩu phục”.