| Hotline: 0983.970.780

Hậu bão số 4: Nơi dân bị cô lập, nơi chìm trong biển nước

Thứ Năm 29/09/2022 , 18:03 (GMT+7)

Sau bão số 4, nhiều địa phương bị ngập lụt do mưa lớn, sạt lở khiến việc đi lại khó khăn. Cá biệt, nhiều nơi còn bị cô lập ảnh hưởng đời sống người dân.

z3759596103996_be4bf2e53c0ea52bcb09496accd55355

Nhiều tuyến đường ở Kon Tum bị sạt lở, hàng trăm hộ dân bị cô lập. Ảnh: Đăng Lâm.

Kon Tum: Hàng trăm hộ dân vẫn bị cô lập

Ông Phan Mười, Phó Giám đốc Sở GT-VT Kon Tum, cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện còn 2 con đường do đơn vị quản lý bị ảnh hưởng của bão gây sạt lở, ngập cầu tràn, dẫn đến tắc đường.

Theo đó, cả trăm hộ dân ở Kon Tum vẫn còn bị cô lập. Cụ thể, tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút (thuộc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) bị sạt lở ta-luy dương; tuyến tỉnh lộ 678 (đoạn km 19 qua xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông) bị ngập cầu tràn.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão nên 2 tuyến đường này bị sạt lở, ngập cầu tràn, khiến giao thông bị tắc nghẽn. Theo đó, ngành chức năng tỉnh này vẫn đang nỗ lực từng giờ để khắc phục nhằm sớm thông xe, đồng thời chủ động cung cấp nhu yếu phẩm cho dân.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, đối với vị trí ngập cầu tràn tại tỉnh lộ 678, dù nước đã rút nhưng phần mố cầu tràn bị sụt. Vì thế, mặc dù người dân có thể qua lại nhưng chỉ đi xe máy qua cầu nhỏ, còn xe lớn thì không đi được.

Đối với đường Ngọc Hoàng - Măng Bút, sau 1 ngày bị chia cắt khiến 500 hộ dân xã Măng Ri bị cô lập thì ngày 29/9, nước đã rút. Để giúp bà con tạm thời đi lạị, xã Măng Ri đã cử lực lượng canh giữ hai đầu, giúp dân khiêng đẩy xe máy qua vùng ngập an toàn.

"Tuy nhiên, xe ô tô không thể qua được. Huyện đang khẩn trương bằng mọi cách, sớm khắc phục hai tuyến đường này để bàn con đi lại bình thường”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh thì trên địa bàn, hiện còn khoảng 100 hộ dân thôn Tu Thó (xã Tê Xăng) bị chia cắt hoàn toàn do bão, lũ. Cụ thể từ hôm 28/9, mưa lớn đã làm sạt tuyến đường đi thôn Tu Thó, dẫn đến 100 hộ dân nơi đây bị cô lập hoàn toàn.

“Đối với các hộ dân bị cô lập do sạt lở vì bão gây ra, huyện chỉ đạo các xã phải rà soát, triển khai các biện pháp để đảm bảo lương thực, thực phẩm cũng như thuốc men đầy đủ cho dân, tuyệt đối không để dân lâm vào cảnh đói, rét. Đến nay, các hộ bị cô lập vẫn đảm bảo lương thực, thực phẩm”, ông Mạnh thông tin thêm. 

z3759678697162_01b0d4087aed92154cf06a4b6b5317a5

Người dân cùng chính quyền địa phương huyện Tu Mơ Rông chủ động giải thoát cô lập. Ảnh Đăng Lâm.

Tại huyện Đăk Glei của tỉnh Kon Tum (huyện giáp với tỉnh Quảng Nam), mưa, bão đã làm thiệt hại 5 cây cầu treo, 5 cầu tràn bị hư hỏng nặng, 2 điểm đường và 2 cầu bê tông bị ngập sâu trong nước. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện bị sạt lở nặng nề, khối lượng đất đá sạt lở ước tính lên đến 1.950m3.

Cũng tại huyện Đăk Glei, 15 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, 6 căn nhà bị sạt lở do đất đá tràn vào nhà, 2 căn nhà bị sập hoàn toàn, 1 điểm trường bị sạt lở. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng tuy nhiên chưa thống kê hết. Nhiều xã bị mất điện, mất thông tin liên lạc hoàn toàn… Ước thiệt hại ban đầu do bão, lũ gây ra trên địa bàn huyện khoảng 15 tỷ đồng.

Gia Lai: Sẵn sàng di dời hơn 8.000 dân

Tuy bão Noru đã đi qua song nhiều địa phương ở tỉnh Gia Lai vẫn còn mưa. Theo đó, tỉnh này vẫn sẵn sàng cả nhân lực, phương tiện lẫn trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm chuẩn bị sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Người dân Gia Lai khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân Gia Lai khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng đến thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai đã hoàn thành việc di dời 382 hộ tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn gồm huyện Kông Chro 40 hộ; Kbang 108 hộ; Ia Pa 82 hộ; Mang Yang 152 hộ. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng di dời kịp thời 8.470 khẩu tại các huyện phía Đông Nam của tỉnh (huyện Phú Thiện 500 khẩu, huyện Ia Pa 7.970 khẩu) nếu nguy cơ bị lũ cô lập, uy hiếp.

Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với tình huống cực đoan tiếp theo, chính quyền hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang tích cực chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, lũ, sớm giúp nhân dân ổn định đời sống, yên tâm sinh hoạt và sản xuất.

Nghệ An: Nhiều nơi chìm trong biển nước

2 ngày qua trên địa bàn Nghệ An mưa như thác đổ, mưa kéo dài với lưu lượng lớn đã gây ngập úng nặng trên diện rộng, thiệt hại ước chừng không nhỏ.

Mưa như trút trên diện rộng sau hoàn lưu bão số 4 khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An tê liệt. Bị nặng nhất đến phải kể đến các huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thanh Chương, Con Cuông…

z3760315267172_5a4f2f25fe8a3f21b831d3d35c91fcf4

Nhiều nơi tại tỉnh Nghệ An chìm trong biển nước.

Tính đến ngày 29/9, nước lũ vẫn là mối đe dọa thường trực với huyện Quỳnh Lưu. Tính toán sơ bộ hơn 5.550 hộ dân buộc phải di dời, hơn 700 hộ khác bị cô lập. Đặc biệt, nước với gia tốc lớn gây nên tình trạng sạt lở bờ đê sông, hồ đập tại các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tam với tổng chiều dài khoảng 220m tại, rất may nhờ được gia cố trong đêm nên tình hình đang trong tầm kiểm soát.

Về nông nghiệp, có khoảng 950ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, gần 6.000 gia súc, gia cầm bị chết; 4.255 tấn muối trong bị ngập…

Trước tình hình trên, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập 2 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục, đồng thời triển khai phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”.

Về phía huyện Thanh Chương, đến chiều 29/9 ghi nhận trên địa bàn có 1 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ. Bên cạnh đó, toàn huyện có 776 nhà bị ngập, 3 điểm trường ở các xã Thanh Ngọc và Thanh Nho ngập sâu; 23 xóm bị cô lập; tuyến đê phòng lũ đoạn qua nhà máy may, xã Thanh Liên bị nước tràn qua…

Sau khi cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra thực tế, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số điểm trên địa bàn huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu các cấp, ngành ở Thanh Chương tiếp tục bám sát địa bàn, kịp thời triển khai các phương án ứng phó, giúp dân khắc phục hậu quả.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm