| Hotline: 0983.970.780

Hiệp định EVFTA: Sự tái khởi động cho 2 nền kinh tế sau dịch Covid-19

Thứ Hai 14/09/2020 , 06:08 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nên nhiều thiệt hại, hiệp định EVFTA có hiệu lực đã giúp 2 nền kinh tế Việt Nam, EU có được sự tái khởi động hiệu quả.

Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị một cách tốt nhất để đáp ứng thị trường châu Âu.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 17%

Cuối tuần qua, Công ty TNHH Thông Thuận có trụ sở tại tỉnh Ninh Thuận đã chính thức xuất khẩu lô tôm nước lợ sang thị trường châu Âu (EU) với thuế suất ưu đãi 0%. Đây được đánh giá là sự kiện mang lại nhiều thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam lẫn EU. Tại sự kiện, ông Carsten Schittek, Tham tán Công sứ, Trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay, bất chấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam và EU đã ký kết hiệp định để giúp tăng trưởng kinh tế, củng cố thu hút đầu tư. Hai bên đều hướng đến đảm bảo hiệp định được triển khai một cách nhanh chóng và đầy đủ. Đặc biệt là cùng giúp hai bên tái khởi động nền kinh tế vốn chịu nhiều thiệt hại bởi Covid.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp ngàng tôm của Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: Minh Hậu.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp ngàng tôm của Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các thành phần quốc tế và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác EU nên việc triển khai hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ. Hiệp định tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính sơ bộ, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này trong tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng 17% so với tháng 7/2020.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (áo trắng) làm lễ xuất khẩu tôm sang EU của Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (áo trắng) làm lễ xuất khẩu tôm sang EU của Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

“Sự kiện Công ty Thông Thuận (Ninh Thuận) xuất khẩu lô tôm qua EU với thuế suất 0% đã cho thấy tầm quan trọng của mậu dịch tự do giữa Việt Nam và EU trong việc tái khởi động nền kinh tế của chúng ta. Sự kiện chứng minh rằng Việt Nam có khả năng thích nghi nhanh chóng, tận dụng các cơ hội để phát triển”, ông Carsten Schittek, Tham tán Công sứ, Trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, riêng ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu. Theo đó, EU sẽ xóa bỏ thuế với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan khoảng 11.500 tấn.

“Tận dụng tốt lợi thế này, từ đầu tháng 8 đến nay, riêng xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng 100% so với tháng 7. Để sẵn sàng cho EVFTA có hiệu lực, thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics để đảm bảo các yêu cầu của hiệp định. Đặc biệt là Việt Nam đã nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng IUU để đảm bảo sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng hóa của tỉnh Ninh Thuận nói riêng thâm nhập vào EU. “Đây là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông thủy sản thông qua ưu đãi thuế quan, bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là điều đặc biệt có ý nghĩa đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam nói chung, Ninh Thuận nói riêng”, ông Lưu Xuân Vĩnh thổ lộ.

Nâng tầm sản xuất

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội mới nhưng đây cũng chính là thử thách to lớn đối với nền kinh tế. Ông Carsten Schittek, Tham tán Công sứ, Trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, châu Âu là thị trường khắt khe và các sản phẩm đưa qua đây đều phải đáp ứng cùng lúc nhiều tiêu chí. Theo ông, Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam đã có những kế hoạch cho chiến lược lâu dài đó là định hướng phát triển bền vững với EU.

Để đảm bảo các yêu cầu của thị trường EU, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Để đảm bảo các yêu cầu của thị trường EU, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, EVFTA đòi hỏi khắt khe đến quy tắc xuất xứ, an toàn thực phẩm, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng các doanh nghiệp ở địa phương sẽ đảm bảo được các yêu cầu của đối tác và sẽ tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh. Ông nói: “Doanh nghiệp sẽ khẳng định được vị thế trên thị trường, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu”.

Trước những yêu cầu khắt khe bởi thị trường EU, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị một cách tốt nhất để đáp ứng thị trường châu Âu. Việc áp dụng mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC, phát triển sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ hộ gia đình sẽ được quan tâm thực hiện. “Với sự chung tay của tất cả các bên, tôi tin chắc rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới trong chuỗi gái trị toàn cầu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thổ lộ.  

Trước sự kiện lô tôm đông lạnh của doanh nghiệp xuất khẩu qua EU với thuế suất ưu đãi, ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Thông thuận Group cho biết, đây là sự thành công rực rỡ và doanh nghiệp gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ NN-PTNT và các cơ quan ban ngành khi đã luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển. Qua đây, ông cũng mong muốn các bên tiếp tục đàm phán để rút ngắn lộ trình xóa 100% thuế suất. Ông chia sẻ: “Tôi mong rằng hiệp định EVFTA tiếp tục được nâng lên. Hiện nay, dòng thuế đối với các mặt hàng giá trị cao thì phải lộ trình 7 năm mới xóa 100%. Đây là lộ trình hơi dài. Thay mặt doanh nghiệp, tôi kiến nghị các bên đàm phán để rút ngắn lộ trình này”.

  

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.