Chia sẻ tại Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 Hiệp hội phân bón Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hiệp hội phân bón Việt Nam có những biến đổi phức tạp, bất ngờ và khó lường do biên đổi khí hậu và dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng.
Số liệu thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, hiện nhu cầu phân bón mỗi năm ở Việt Nam khoảng 10,5 - 11 triệu tấn các loại. Trong đó, phân urea khoảng 1,6 -1,8 triệu tấn, DAP khoảng 0,7 - 0,9 triệu tấn, SA 0,8 - 0,9 triệu tấn, Kaly 0,9 - 1 triệu tấn tấn và phân NPK khoảng 3,5 - 4 triệu tấn,…
Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), năm 2022 cả nước có 792 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ, trong đó 261 cơ sở vô cơ, 161 hữu cơ, 308 vừa vô cơ vừa hữu cơ (năm 2021 trên 800 cơ sở sản xuất phân bón các loại).
Về tình hình nhập khẩu phân bón, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 4,12 triệu tấn vào năm 2023 và 2,62 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 58,6% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất vào Việt Nam khi chiếm gần 50% tổng sản lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2,4 triệu tấn, tương đương 662 triệu USD.
Về xuất khẩu, phân bón Việt Nam hiện được xuất khẩu trên 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Campuchia là thị trường chủ lực, chiếm 36% tổng lượng xuất khẩu hàng năm, tiếp theo là Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc,…
TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng đánh giá chung cơ bản, Hiệp hội Phân bón Việt Nam hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ V, tích cực tham gia vào bảo vệ quyền lợi cho người dân và phát triển ngành thông qua các hội thảo, hội nghị, triển lãm,..
Trong nhiệm kỳ VI, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tập trung tăng cường quan hệ liên kết, tích cực phối hợp với với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các địa phương để triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền và hưởng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả hơn.
Đẩy mạnh quản lý phân bón kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng phân bón nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu. Thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình diễn biến về hoạt động sản xuất, thị trường kinh doanh phân bón trong và ngoài nước để cung cấp thường xuyên và kịp thời cho các hội viên của Hiệp hội.
Bên cạnh đó, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 phần liên quan đến phân bón (chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế gia trị gia tăng ở mức 5%).
Kiến nghị xem xét sửa đổi Nghị định 26 về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc, áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.
Ngoài ra, Hiệp hội tiếp tục góp ý, phản biện và lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp thành viên đối với văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp phân bón trong nước và ngoài nước để cung cấp thường xuyên và kịp thời cho các hội viên của Hiệp hội, qua đó tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của Hiệp hội với ngành nông nghiệp nước nhà.