Hình tượng Thúy Kiều rất quen thuộc trong đời sống người Việt Nam. Hình tượng Thúy Kiều từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có nhiều diện mạo khác nhau, thông qua sự tưởng tượng của nhiều thế hệ khác nhau. Hình tượng Thúy Kiều rời khỏi trang thơ để tái hiện ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn, luôn mang lại hứng thú cho công chúng.
Được ấp ủ suốt hai năm căng thẳng vì đại dịch Covid-19, vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường” vừa được Nhà hát kịch Hà Nội hoàn thiện dàn dựng, để ra mắt khán giả vào tháng 6/2022. Vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường” do Nhật Linh viết kịch bản và Nghệ sĩ Nhân dân Tuấn Hải làm đạo diễn.
Câu chuyện về Thúy Kiều thì phần lớn người Việt Nam đã tường tận, cho nên làm sao xây dựng nhân vật Thúy Kiều vừa lòng đám đông lại không hề đơn giản. Thực hiện vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường”, Nhà hát kịch Hà Nội mong muốn tiếp cận cuộc đời và thân phận Thúy Kiều ở một cách nhìn cụ thể hơn, dễ hiểu hơn và cũng “tình” hơn.
Vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường” tham vọng làm “trẻ” lại Truyện Kiều của Nguyễn Du với sự giản lược các điển cổ, điển tích so với nguyên tác nhưng vẫn có sự lồng ghép hợp lý và tự nhiên các câu thơ quen thuộc, nổi tiếng từ trong nguyên tác Truyện Kiều. Đồng thời, vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường” kết hợp lối nói vần điệu và ngôn từ truyền thống giúp người xem đồng điệu và cuốn hút.
Hình tượng Thuý Kiều được sân khấu hóa vẫn gắn mệnh kiếp “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” với những con số 2 đeo mang ai oán: 2 lần vào nhà thổ, 2 lần đi tu, 2 lần đi làm con ở, 2 lần làm vợ lẽ, 2 lần tự tử và 2 lần phải đổi tên…
Vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường” cũng là dịp Nhà hát kịch Hà Nội giới thiệu những gương mặt trẻ đang trên đường thành danh như Linh Huệ, Thiện Tùng, Chí Nhân, Thanh Hương, Tố Uyên, Điền Viên, Thuỳ Anh, Quang Minh, Mạnh Cường, Diễm Hương, Tiến Huy, Việt Dũng, Xuân Hồng, Huyền Thạch…
Vở kịch “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường” không phải lần đầu tiên hình tượng Thúy Kiều được sân khấu hóa, nhưng lại là tác phẩm kịch nói được đầu tư hoành tráng bậc nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy Nhà hát kịch Hà Nội đang muốn thay đổi phong cách để tiếp cận nhu cầu nghe - nhìn của thị hiếu đương thời.
Cách đây không lâu, Truyện Kiều cũng đã được thể hiện trên sàn diễn kịch nói với vở “Kiều” (kịch bản Đỗ Trí Hùng, đạo diễn Trần Lực) ở phía Bắc và “Kiếp hồng nhan” (kịch bản Lê Chí Trung, đạo diễn Trần Ngọc Giàu) ở phía Nam.