Nhà hát cải lương Việt Nam trong thời gian tạm đóng cửa vì Covid-19, đã tranh thủ dàn dựng vở “Nguyễn cầm ca – Kiều”. Đã hơn một lần đưa hình tượng Thúy Kiều lên sàn diễn, Nhà hát cải lương Việt Nam quyết định đầu tư vở “Nguyễn cầm ca – Kiều” với sự kết hợp công phu của mỹ thuật, âm nhạc, trang phục và múa.
Vở “Nguyễn cầm ca – Kiều” do nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản cảm tác theo Truyện Kiều của Nguyễn Du, và Nghệ sĩ Ưu tú Phan Ngọc Chi chuyển thể cải lương. Vở “Nguyễn cầm ca – Kiều” xuất hiện trên sân khấu Nhà hát cải lương Việt Nam qua tài năng đạo diễn của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai.
Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm quen thuộc với đại bộ phận công chúng. Hệ thống tình tiếng và ngôn ngữ bay bổng của Truyện Kiều có giá trị kích thích sáng tạo của nhiều loại hình nghệ thuật khác, trong đó có cải lương.
Tuy nhiên, dịch chuyển từ trang thơ sang sàn diễn vẫn luôn thách thức các nghệ sĩ cải lương, làm sao phát huy được kịch tính mà vẫn bảo đảm được vẻ đẹp riêng của Truyện Kiều. Vở “Nguyễn cầm ca – Kiều” vừa lên sân khấu Nhà hát cải lương Việt Nam là vở mới nhất trong hàng chục vở cải lương đã khai thác Truyện Kiều.
Từ vở “Nguyễn cầm ca – Kiều” hôm nay, cũng là dịp để khán giả suy tư về Truyện Kiều với cải lương. Từ năm 1920, gánh hát Tân Thinh đã treo hai câu đối khẳng định sứ mệnh của cải lương khá rõ ràng: “Cải cách hát ca theo tiếng bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Cho nên, thay vì đeo bám vào những tuồng tích nước ngoài, giới cải lương lấy Truyện Kiều để phụng sự văn hóa dân tộc.
Năm 1922, vở cải lương đầu tiên lấy cảm hứng từ Truyện Kiều được gánh hát thầy Năm Tú trình diễn ở Mỹ Tho. Từ đó đến nay, sân khấu cải lương có bộ ba về hình tượng Thúy Kiều khiến người hâm mộ say đắm là “Kim Vân Kiều” của soạn giả Trương Duy Toản, “Hoạn Thư tróc Kiều” của soạn giả Trương Quang Tiền và “Kiều du thanh minh” của soạn giả Phạm Đình Khương.
Qua nghệ thuật cải lương, những người yêu Truyện Kiều soi rọi lẽ đời, lẽ người để thấy vẫn còn đó “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” bởi những tai ương “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết không chỉ thực hiện vở cải lương bằng hình thức video đầu tiên về hình tượng Thúy Kiều vào năm 1989 mà còn tốt nghiệp đạo diễn ở Bulgaria với vở diễn “Thúy Kiều”.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết từng nhận được đồng cảm của đồng nghiệp, khi tâm sự: “Học theo Tố Như tiên sinh, kẻ hậu bối chúng ta mong cũng chỉ “mua vui một vài trống canh” nên nương cậy vào Truyện Kiều mà chuyển thể – sáng tạo cũng không ngoài ngu ý tìm hiểu thêm cái hay cái đẹp của văn học nước nhà. Đồng thời bày tỏ tình yêu nối liền viên ngọc quý Truyện Kiều với nghệ thuật cải lương”.