Tình huống phối hợp có nét nhất của Việt Nam là cú sút ra ngoài của Văn Toàn. Ảnh: Tùng Đinh. |
Khi đối đầu Việt Nam thời gian gần đây, hầu hết các đối thủ đều gặp phải một vấn đề. Đó là thầy trò Park Hang-seo gần như không có những bài tấn công cụ thể.
Tính riêng vòng loại World Cup, những pha lập công của Việt Nam đến từ nhiều kiểu phối hợp. Ở trận thắng Malaysia 1-0, bàn duy nhất của Quang Hải đến từ phút ngẫu hứng của cầu thủ này.
Pha nhoài người theo tư thế song song mặt đất, sau đường chuyền vượt tuyến của Quế Ngọc Hải, là một miếng đánh úp kiểu bất ngờ. Khi đối thủ pressing quyết liệt ở giữa sân, đội của ông Park sẽ chọn cách này để xuyên thủng.
Ở trận gặp Indonesia, hàng thủ đội bóng xứ vạn đảo dồn về bảo vệ khung thành. Họ không dâng cao như Malaysia, nhưng rồi Việt Nam vẫn mở tỷ số nhờ phạt góc. Bàn nâng tỷ số lên 2-0 cũng là một tình huống cố định - phạt đền - bắt nguồn từ nỗ lực đi bóng của Đỗ Hùng Dũng. Bàn cuối cùng, là miếng đánh có ý đồ nhất, nhưng nó đến vào thời điểm mọi thứ dường như an bài, nên không mang nhiều ý nghĩa.
Tới trận đấu UAE, bàn duy nhất có dấu ấn đậm nét của cá nhân. Tiến Linh, trong một giây thăng hoa, đã sút quả bóng như thể một tiền đạo châu Âu. Và điều đáng nói, ngoại trừ cú dứt điểm này, Việt Nam chỉ có đúng một pha phối hợp tốt nữa, xuất phát từ pha đi bóng của Công Phượng (lại là nỗ lực cá nhân) cho Quang Hải dứt điểm chệch cột.
Những con đường dẫn đến bàn thắng của Việt Nam khiến người hâm mộ rơi vào hai trạng thái. Một là chúng ta tấn công quá đa dạng, và cầu thủ nào cũng ghi được bàn. Và hai là chúng ta đang ở thời kỳ phong độ cao theo kiểu "thiên thời": hễ sút là vào.
Sau trận hòa Thái Lan hôm 19/11, trong một tối mà không có cú sút nào được Việt Nam thực hiện trúng đích, người ta thiên về phương án thứ hai hơn.
Thủ môn Văn Lâm dùng chân cản quả phạt đền của Thái Lan. Ảnh: Tùng Đinh. |
Hơn một lần, trong quãng thời gian hai năm làm việc ở Việt Nam, ông Park Hang-seo bị nghi ngờ về khả năng tổ chức tấn công. Nhiều chuyên gia trong nước như Lê Thụy Hải, Vũ Mạnh Hải... đều đặt ra vấn đề này. Việt Nam chỉ chơi tốt khi đá phản công, và giải quyết trận đấu bằng tình huống thay vì ý tưởng phối hợp rõ ràng.
Những chuỗi trận thành công liên tiếp, kéo dài từ vòng chung kết U23 châu Á 2018 đến tận vòng loại World Cup 2022 khiến chúng ta gần như lờ đi việc này. Nếu không bằng đột phá cá nhân, những tình huống cố định hoặc sai lầm đối thủ, Việt Nam rất khó ghi bàn.
Ngay cả trong một trận đấu với Indonesia, đội yếu hơn Việt Nam mọi mặt từ tâm lý, phong độ tới lực lượng, số lượng cơ hội ăn bàn trong cả trận của Việt Nam cũng đến trên đầu ngón tay. Cũng từ những trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 này, người ta liên tục nhắc tới cụm từ "chờ tài điều binh của ông Park". Cơ bản, những thứ trong tay ông, cụ thể là các đội tuyển Việt Nam, có trình độ chưa hẳn vượt trội so với khu vực. Nhưng vì may mắn, vì lối chơi khôn ngoan hơn, chúng ta đã liên tục có kết quả tốt.
Mọi chuyện suôn sẻ cho tới khi gặp Thái Lan, của HLV "cáo già" chẳng kém Park Hang-seo. Suốt 90 phút tại Mỹ Đình, Akira Nishino đã "dạy" lại bài học mà chính Việt Nam đã làm trước UAE. Đó là nhử đối thủ tấn công, sau đó hồi mã thương bằng các tình huống cố định, trước khi tăng tốc trong khoảng 15 phút cuối.
Quả phạt đền mà Theerathon đá hỏng có thể là quyết định gây tranh cãi. Pha dùng mặt cản bóng của Đoàn Văn Hậu lúc cuối trận cũng có thể là phút sơ sẩy của hàng thủ trứ danh bậc nhất Đông Nam Á, khi mới để thua 1 bàn sau 5 trận.
Nhưng chắc chắn, cách chơi của Việt Nam không khiến CĐV nhà an tâm. "Phép màu" từ tay ông Park có dấu hiệu phai nhạt, dù đối thủ ở thế khó hơn gấp bội.