| Hotline: 0983.970.780

'Hồ sơ lửa' muốn lập kỷ lục phim truyền hình siêu nhiều tập?

Chủ Nhật 25/12/2016 , 07:05 (GMT+7)

Dự án phim truyền hình “Hồ sơ lửa” vừa công bố khởi quay, ngay lập tức khiến dư luận xôn xao bởi có độ dài lên đến 1100 tập. Theo những người thực hiện thì dự án “Hồ sơ lửa” có kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, sẽ được chia thành 15 phần, mỗi phần do một đến hai đạo diễn đảm trách.

“Hồ sơ lửa” dự kiến vừa quay vừa phát trên kênh SCTV14 kéo dài trong 3 năm 2017-2020. Với số lượng 1100 tập, phải chăng “Hồ sơ lửa” mong muốn vượt qua danh tác “Cô dâu 8 tuổi” từng khiến khán giả nước ta si mê cuồng nhiệt?


 

Chỉ những thông tin ban đầu về kinh phí và độ dài, công chúng đã thấy choáng, vì một kỷ lục mới đã được xác lập: “Hồ sơ lửa” là bộ phim truyền hình nhiều tập nhất trong lịch sử phim Việt tính đến thời điểm hôm nay. Với mục đích tái hiện lại quá trình đấu tranh chống các loại tội phạm trong suốt 40 năm qua, “Hồ sơ lửa” không sợ hụt hẫng về mặt tư liệu nhưng lại không thể không ái ngại về mặt chất lượng.

Được sự hợp tác của truyền hình cáp SCTV có số lượng thuê bao hàng đầu, “Hồ sơ lửa” hoàn toàn yên tâm sẽ có lịch chiếu vào khung giờ vàng. Tuy nhiên, 1100 tập không phải là con số nhỏ, và đặt ra không ít thử thách đối với những nhà làm phim. Dù rằng, thể loại phim hình sự đã từng có vài tác phẩm thành công như “Đô la trắng”, “Nước mắt giang hồ”, “Lệnh truy nã” hoặc gần đây có “Chạy án” và “Đồng tiền quỷ ám” cũng gây tiếng vang. Thế nhưng những bộ phim ít nhiều được yêu thích kể trên chỉ ngừng ở dăm chục tập.

Nhà biên kịch Châu Thổ- Giám đốc Hãng phim Sena, đơn vị chịu trách nhiệm cho quy trình sản xuất “Hồ sơ lửa” kỳ vọng bộ phim 1100 tập sẽ tạo nên sự khác biệt, làm thay đổi diện mạo phim hình sự Việt Nam.

Theo bà Châu Thổ, hiện nay số lượng phim hình sự Việt Nam trên màn ảnh nhỏ khá nhiều nhưng vẫn bị khán giả chê là nhiều sạn. Ngoài kịch bản lỏng lẻo, việc phá án thiếu logic, sạn thường gặp nhất đó là lỗi nghiệp vụ. Nhiều lỗi sơ đẳng đến mức ngớ ngẩn như một cô gái đeo hàm trung tá lại “bị” cấp dưới chào là thiếu tá. Hay pha đánh đấm lúc thì rất giả, lúc thì như múa. Để chuẩn bị bảo đảm tốc độ hoàn thiện “Hồ sơ lửa”, bà Châu Thổ khẳng định: “Chúng tôi gần như gom hết những ngôi sao hàng đầu hai miền Nam, Bắc”.


Nhà biên kịch Châu Thổ- Giám đốc Hãng phim Sena
 

Nếu độ dài có thể lấy làm thước đo tin cậy thì phim truyền hình Việt Nam đang phát triển chăng? Đáng tiếc, mọi thứ có chiều hướng ngược lại. Phim truyền hình càng dông dài càng tẻ nhạt, càng ồn ào càng kém cõi, càng xem lâu càng thấy khó chịu. Nguyên nhân ở đâu và giải pháp thế nào, không thể chỉ trông vào vài cuộc hội thảo mang nặng tính hình thức mà thấu đáo ngọn nguồn!

Danh mục sản xuất phim truyền hình nhiều tập vẫn sôi nổi từng ngày, từng giờ. Những thước phim chọn nhằm thời điểm đông đảo khán giả xem truyền hình để trình chiếu cũng thực sự trăm hồng nghìn tía. Hai khía cạnh ấy đã đủ khẳng định phim truyền hình đang ăn nên làm ra?

Đúng, nếu chúng ta cứ tiếp tục lẩn tránh những phép so sánh đơn giản nhất với bạn bè trong khu vực, tiếp tục vuốt ve nhau để vui vẻ cả làng. Đúng, nếu những nhà làm phim không màng đến giá trị nghệ thuật. Đúng, nếu những nhà quản lý xem sự dễ dãi đã là căn bệnh trầm kha của phim ảnh nước nhà.

Sở dĩ khán giả chưa có phản ứng mạnh với phim truyền hình vì trên màn ảnh nhỏ ngoài những gameshow trẻ trung nhí nhảnh, có quá ít chương trình lôi cuốn người xem. Ví dụ, cùng lúc có phim truyền hình Hàn Quốc hay phim truyền hình Trung Quốc ở kênh khác, thì ai dám cam đoan công chúng vẫn kiên quyết chọn lựa phim truyền hình Việt Nam?

Sự thật chứa đựng không ít bẽ bàng và cay đắng, nhưng những người làm phim chân chính không có quyền ậm ừ mãi, không có quyền đong đưa mãi, không có quyền xun xoe mãi!

Những người làm phim có tài và có tâm không có quyền từ chối nguyện vọng chính đáng của người dân Việt Nam được xem những bộ phim truyền hình ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn! Muốn vậy, chúng ta phải chân thành và thẳng thắn nói với nhau rằng, những bộ phim truyền hình của chúng ta đầy rẫy sự non nớt, sự khập khiễng, sự vụng về!

Một khi tư nhân đã móc túi ra, thì phim truyền hình không thể nào phân bua thiếu tiền hay kinh phí hạn hẹp. Cứ phải lấy tinh thần cầu tiến mà thừa nhận năng lực hạn chế của những nhà làm phim hiện nay thôi!

Chưa bao giờ những nhà biên kịch được săn đón và chiều chuộng như bây giờ. tìm đâu ra tình tiết gay cấn, tìm đâu ra lời thoại hợp lý? Những nhà sản xuất thừa thông minh để nhận ra không thể hy vọng quá nhiều vào số lượng kịch bản ít ỏi và chất lượng kịch bản khiêm tốn trong nước, họ liền mua bản quyền để khai thác nguồn kịch bản từ nước ngoài.

Hai bộ phim dài tập “Cô gái xấu xí” và “Những người độc thân vui vẻ” thực hiện theo phương pháp tưởng chừng rất khôn ngoan đó. Kết quả chứng minh đạo diễn của chúng ta chưa đủ tầm vóc để kiểm soát bố cục bộ phim một cách mạch lạc, còn diễn viên của chúng ta chưa đủ tinh tế để chuyển tải xúc cảm thẩm mỹ đến người xem.


Phim "Những người độc thân vui vẻ" cũng đã dừng sóng trước thời gian dự kiến
 

Rõ ràng, nghệ thuật không có đường tắt, không thể có thành tựu từ bất kỳ sự vay mượn nhanh nhảu nào. Đã đến lúc phải tư duy tỉ mỉ một hướng đi đúng đắn cho phim truyền hình Việt Nam dựa trên nền tảng là sự khơi dậy và đánh thức tiềm lực của nghệ sĩ nước nhà.

Dẫu biết phim truyền hình Việt Nam chưa hình thành được bao lâu, chưa chuyên nghiệp hoàn toàn. Thế nhưng, nếu hồn nhiên chấp nhận sự tầm thường và vô vị, thì một ngày không xa chúng ta sẽ chua xót khi an ủi nhau rằng, phim truyền hình có tác dụng giải quyết lao động nhàn rỗi cho lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy!

Dù lạc quan đến mức nào cũng không ai dám nói Việt Nam đã có công nghệ làm phim truyền hình đạt được chuẩn mực quốc tế. Đội ngũ làm phim của chúng ta vừa thiếu vừa yếu, cả biên kịch, đạo diễn lẫn diễn viên. Muốn có một bộ phim khoảng 100 tập đã phải đắn đo, chứ đừng nói đến bộ phim lên đến ngàn tập. Đành rằng, chúng ta cần mạnh dạn xóa bỏ mặc cảm để thử sức, nhưng nghệ thuật không phải dạng lao động phổ thông để chịu cày chịu bừa thì thành công như mong muốn.

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, thể loại phim hình sự rất ăn khách trên màn ảnh nhỏ Hồng Kong. Những nhà làm phim xứ cảng thơm đã có những bộ phim truyền hình nhiều tập cực kỳ ăn khách như “Hồ sơ trinh sát”, “Hồ sơ Interpol” hoặc “Lực lượng phản ứng” có sự tham gia của những gương mặt đến hôm nay vẫn còn là thần tượng như Huỳnh Nhật Hoa, Âu Dương Chấn Hoa, Quan Vịnh Hà, Quách Khả Doanh hoặc Cổ Thiên Lạc, Thái Thiếu Phấn, Tuyên Huyên, … mà cũng chỉ giới hạn gần 200 tập cho mỗi tác phẩm.


 

Thời gian gần đây, Đài Loan và Ấn Độ cũng đua nhau làm siêu phim nhiều tập. Bộ phim “Đời sống chợ đêm” của Đài Loan dài 1008 tập, mỗi tập 45 phút. Còn bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” của Ấn Độ dài 2096 tập, mỗi tập 20 phút.

Với độ dài 1100 tập thì “Hồ sơ lửa” vượt qua cả “Đời sống chợ đêm” lẫn “Cô dâu 8 tuổi”. Đó là một tín hiệu lạc quan quá mức, hay một cuộc phiêu lưu nhiều cám dỗ? Câu trả lời quả thật không dễ dàng chút nào! Thử làm một phép đối chiếu đơn giản, nếu tính mỗi tập dài 40 phút theo cách phổ biến của phim truyền hình nước ta, thì bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” chỉ đạt con số 1048 tập.

So với độ dài 1100 tập của bộ phim “Hồ sơ lửa” đang sôi sục dư luận, thì bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” còn thua xa đến… 52 tập. Liệu rằng những hình ảnh của 52 tập dài hơn kia có phô diễn được những điều hấp dẫn hơn và lôi cuốn hơn không? Hãy nhớ rằng, làn sóng hâm mộ bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” đã khiến tên gọi tác phẩm này trở thành một trong 10 từ khóa được người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2015!

Không ai nghi ngờ tâm huyết của những người phác thảo dự án “Hồ sơ lửa”. Thế nhưng, để “Hồ sơ lửa” không bị cuốn theo cơn sốt mơ mộng sự hoành tráng đang rất phổ biến của người Việt hôm nay, thì cần có những tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng! Văn hay lọ phải cầu dài, phim hay cũng không nhất thiết phải siêu nhiều tập!

Nếu độ dài có thể lấy làm thước đo tin cậy thì phim truyền hình Việt Nam đang phát triển chăng? Đáng tiếc, mọi thứ có chiều hướng ngược lại. Phim truyền hình càng dông dài càng tẻ nhạt, càng ồn ào càng kém cỏi, càng xem lâu càng thấy khó chịu.

 

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng tại Điện Biên Phủ

Trong số Báo Quân đội Nhân dân cuối cùng tại mặt trận, số 184, ra ngày 16/5/1954 đăng bài Lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng tại Điện Biên Phủ của tác giả Thái Duy - một cộng tác viên của tòa soạn tiền phương.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.