| Hotline: 0983.970.780

Lấy con người làm trung tâm trong phục hồi đất đai, hạn hán

Thứ Bảy 07/12/2024 , 19:15 (GMT+7)

Đây là định hướng chính được đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc lần thứ 16.

Ông Trần Quang Bảo (giữa) - Trưởng đoàn Việt Nam tham dự COP 16. Ảnh: Quỳnh Hương.

Ông Trần Quang Bảo (giữa) - Trưởng đoàn Việt Nam tham dự COP 16. Ảnh: Quỳnh Hương.

Đoàn Việt Nam do Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo làm trưởng đoàn, vừa tham dự Hội nghị các bên tham gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP 16) tại Riyadh, Ảrập Xêút, diễn ra từ ngày 2 - 13/12.

COP 16, với chủ đề “Đất đai của chúng ta - Tương lai của chúng ta”, định hướng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, được kỳ vọng trở thành một cột mốc quan trọng và khoảnh khắc đột phá về khả năng phục hồi đất đai, hạn hán.

Sự kiện cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), cũng là hội nghị tập trung vào đất đai lớn nhất của Liên hợp quốc từ trước đến nay. Mục tiêu nhằm nâng cao tham vọng lên mức toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh hành động của các bên liên quan.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Ibrahim Thiaw, Tổng Thư ký UNCCD cho biết, các chủ đề về đất đai và hạn hán hiện là trung tâm của nhiều cuộc thảo luận quan trọng, không chỉ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, mà còn tại Hội nghị G20, G7, BRICS, Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và tăng cường hoạt động về khôi phục đất đai, cũng như đưa công cụ này trở nên hiệu quả khi giải quyết những thách thức lớn của thời đại như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bất bình đẳng kinh tế, di cư cưỡng bức, và thậm chí là bất ổn toàn cầu.

Tổng Thư ký UNCCD bày tỏ hy vọng, rằng khôi phục đất đai sẽ được nhìn nhận là hoạt động không những bảo vệ môi trường, mà còn bảo vệ nền kinh tế, an ninh và toàn nhân loại.

Chống sa mạc hóa được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của nhân loại hiện nay. Ảnh: Quỳnh Hương.

Chống sa mạc hóa được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của nhân loại hiện nay. Ảnh: Quỳnh Hương.

Bà Amina Mohammed, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, rằng 40% diện tích đất trên thế giới đang bị suy thoái và kêu gọi COP 16 ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế để đảo ngược tình trạng suy thoái đất.

Bên cạnh đó, thúc đẩy sự phục hồi các vùng đất bị thoái hóa; đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững; và ưu tiên đầu tư tài chính vào việc chống hạn hán và sa mạc hóa.

Đại diện các khu vực, các nước tham gia UNCCD, các tổ chức quốc tế cũng phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, phục hồi nâng cao sức sản xuất của đất, cũng như sự cần thiết phải tăng cường sự hợp tác quốc tế, chuyển giao tri thức, công nghệ, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để nâng cao khả năng chống chịu với hạn hán và suy thoái đất.

Trong khuôn khổ COP 16, ông Trần Quang Bảo, Trưởng đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Mira Lee, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp Hàn Quốc để trao đổi và thúc đẩy hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong lĩnh vực trồng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các hoạt động liên quan đến lâm nghiệp.

Đoàn Việt Nam cũng có nhiều hoạt động bên lề khác, trong việc trao đổi kinh nghiệm với các đối tác liên quan về giải pháp thúc đẩy sử dụng đất nông lâm nghiệp bền vững, nhằm chống sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán.

Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) là khuôn khổ ràng buộc pháp lý duy nhất được thiết lập nhằm giảm tác động của tình trạng suy thoái đất, bảo vệ đất đai, giải quyết tình trạng sa mạc hóa và tác động của hạn hán. Công ước có sự tham gia của 197 bên, bao gồm 196 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU).

Công ước kêu gọi sự chung tay của các chính phủ, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, khu vực tư nhân và cộng đồng một tầm nhìn chung nhằm khôi phục và quản lý đất đai của thế giới. 

Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) là tiếng nói toàn cầu về đất đai và là một trong 3 hiệp ước chính của Liên hợp quốc (Công ước Rio), bên cạnh Công ước chống biến đổi khí hậu và Công ước đa dạng sinh học.

Năm 2024 là kỷ niệm 30 năm thành lập UNCCD và cũng là năm đầu tiên COP được tổ chức tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi trực tiếp chứng kiến, chịu ảnh hưởng ​​những tác động của sa mạc hóa, suy thoái đất đai và hạn hán.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.