Họa sĩ Đỗ Quang Em được xem là một trường hợp thú vị trong giới mỹ thuật. Họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ tranh theo lối tân hiện thực (neo-realism), thậm chí có người còn nói ông là cực thực (hyper-realism). Thật kỳ lạ, tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em vẫn thu hút sự chú ý của giới sưu tập quốc tế trong suốt 30 năm qua.
Đề tài trong tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em chủ yếu là những người thân và vài đồ vật quen thuộc. Ông từng thổ lộ: “Tôi chẳng biết trời cao đất rộng là gì, chỉ biết một vợ, bốn đứa con và vẻn vẹn mấy người bạn. Bởi vậy, tôi có vẽ, có yêu thương ai, có ghét bỏ cái gì cũng trong phạm vi nhỏ hẹp đó. Tôi hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ trong chừng mực đó, còn những gì diễn ra bên ngoài bốn bức tường kia thì hoàn toàn xa lạ”.
Họa sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận. Cha của ông có một tiệm chụp ảnh khá nổi tiếng ở Phan Rang, và ông theo phụ việc cho cha từ nhỏ. Vì vậy, nhiều người từng cho rằng tranh Đỗ Quang Em mang phong cách nhiếp ảnh, nhưng ông khẳng định: “Tôi không bao giờ muốn trở lại nghề chụp ảnh. Các tác phẩm của tôi là hiện thực, nhưng không phải là nhiếp ảnh”.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng đánh giá: “Hình ảnh khách quan không phải là đối tượng nghệ thuật của Đỗ Quang Em. Ông không nhằm mục đích tinh lọc cái đẹp trong thế giới sự vật, cũng không phản ánh hoặc khái quát hiện thực trong tầm nhìn thế sự. Ông sáng tác với các cảm xúc trữ tình siêu hình, mà hình ảnh khách quan là chất liệu chỉ có ý nghĩa khách quan hóa. Hội họa Đỗ Quang Em biểu hiện một cảm thức của ông về hiện hữu, một xác tín về tính tất yếu của các “lý do tự nó” ở mỗi tồn tại (con người và sự vật). Người xem có thể cảm nhận, trong mỗi tác phẩm của ông toát lên một tinh thần nghiêm nghị, thể hiện sự trân trọng đối với thế giới đối tượng. Bao trùm trong tranh là bóng tối. Nó như sự tĩnh lặng huyền mặc của một tâm thức định tĩnh. Những khoảng sáng trong tranh Đỗ Quang Em bao giờ cũng gợi lên cảm xúc nhiệm màu của sự hiện thân”.
Tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em có giá rất cao trên thị trường. Năm 1994, tác phẩm “Tôi vẽ vợ tôi” của họa sĩ Đỗ Quang Em được bán công khai tại New York - Mỹ với giá 70 nghìn USD. Bước sang thế kỷ 21, tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em thường xuyên xuất hiện tại các buổi đấu giá ở Hồng Kong và Singapore.
Họa sĩ Đỗ Quang Em nói về nghề cầm cọ: “Tôi vẽ chân phương và chân thật, như những gì đã được học, nên khi được mua, được thích thì thấy rất vui. Bán tranh nghĩa là không còn tranh ở nhà, vậy là phải tìm tứ để vẽ bức khác, người mua gián tiếp giúp tôi tìm tứ mới”.