| Hotline: 0983.970.780

Hoàn toàn có thể cấm được kháng sinh dùng trong chăn nuôi

Thứ Năm 17/03/2016 , 09:05 (GMT+7)

PGS.TS Lã Văn Kính - Giám đốc Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ (Viện Chăn nuôi), khẳng định: Quyết tâm của Bộ NN-PTNT tới năm 2020 cấm hoàn toàn sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi là bước đột phá giúp ngành này phát triển, hội nhập và chúng ta hoàn toàn làm được.

NNVN đã trao đổi với PGS.TS Lã Văn Kính (ảnh) xung quanh vấn đề này…

11-33-24_pgsts-l-vn-kinh

Người tiêu dùng từng bị... sốc!

Được biết, ngay từ những năm 90, ông đã công bố nghiên cứu về tồn dư chất kháng sinh trong chăn nuôi và tạo ra “cú sốc” cho người tiêu dùng. Cụ thể kết quả nghiên cứu đó ra sao, thưa ông?

20 năm trước, lúc còn làm ở Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, tôi có chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về tồn dư chất kháng sinh trong chăn nuôi. Khi công bố trong Hội nghị khoa học của Bộ NN-PTNT và được một tờ báo giật tít với ý tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi cao gấp cả nghìn lần, đã khiến người tiêu dùng tại TP.HCM giảm ăn thịt gà.

Lúc đó, ông Ba Tìm - Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM gọi điện cho Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, nói: “Thành ủy gọi điện cho tôi và hỏi về kết quả công bố này?”. Lãnh đạo Viện đã yêu cầu tôi cầm tài liệu sang gặp Giám đốc Sở để báo cáo.

Tôi đã trình bày tỉ mỉ các công đoạn nghiên cứu và khẳng định với ông Ba kết quả này được phân tích tại chỗ giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn (Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM, số 02 Nguyễn Văn Thủ, quận 1) nên khách quan, trung thực. Sau khi nghe xong, ông Ba liền vỗ vai, bảo: “Cậu trẻ mà làm việc được!”, rồi ông lên báo cáo Thành ủy sự việc.

Năm 1998, tôi được giao làm đề tài “Nghiên cứu các giải pháp để sản xuất thịt heo, gà sạch” và có đưa ra các giải pháp xử lý việc tồn dư chất kháng sinh. Giải pháp này không hoàn toàn do mình nghĩ ra, mà tìm tòi chọn lọc từ những hướng đi của nhiều nước trên thế giới.

Cụ thể ngay từ năm 1996, Đan Mạch đã có lộ trình 5 năm sẽ cấm hoàn toàn kháng sinh trong chăn nuôi, sau đó được toàn châu Âu làm theo. Tiếp theo là Mỹ, Nhật cấm một phần... Thời điểm cấm dùng kháng sinh, năng suất chăn nuôi của các nước này có giảm nhẹ trong 2 - 3 năm, nhưng sau đó tăng nhanh trở lại bằng việc sử dụng các chất thay thế bổ trợ an toàn cho vật nuôi.

Sau đó, tôi tiếp tục làm đề tài “Sản xuất thử nghiệm, tập trung thịt heo an toàn cho TP.HCM” và cho ra đời HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong. Từ thành công trên, năm 2004, tôi chủ nhiệm tiếp đề tài “Sản xuất thịt heo an toàn chất lượng cao” của Bộ NN-PTNT. Trong quá trình này, tôi phát hiện ra một điều rất lạ là TĂCN của các doanh nghiệp bán trên thị trường cho hiệu quả hơn hẳn thức ăn do tôi phối trộn.

Phải mất thời gian dài mới phát hiện ra rằng, họ đang sử dụng nhóm chất cấm beta-agonist (Clenbuterol và Salbutamol giúp heo nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ nạc) phối trộn vào thức ăn. Trong các hội thảo chăn nuôi sau đó, tôi liên tục đưa vấn đề này ra để đánh động và Bộ NN-PTNT đã rất quyết liệt xử lý trong thời gian qua.

Tác hại khôn lường khi "đánh bao vây"

Tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại nước ta hiện nay đã giảm rất nhiều so với công bố của ông cách đây 20 năm, nhưng được đánh giá vẫn còn rất bừa bãi. Ý kiến của ông về thực trạng này thế nào?

Đúng là đã giảm nhiều, nhưng chắc chắn vẫn còn lớn. Tôi nhớ một báo cáo gần đây của đại học Oxford (Anh) tại Hội thảo về tình hình sử dụng kháng sinh (ngày 30/10/2015) cho biết, VN sử dụng trên 1.000 tấn kháng sinh/năm. Đây không phải là số liệu chính thống của nước ta nhưng là số liệu tham khảo, phần nào thấy được tình trạng lạm dụng kháng sinh tại VN hiện nay.

Đáng lo ngại là việc sử dụng kháng sinh từ lâu đã xuất hiện kiểu “đánh bao vây” vi khuẩn gây bệnh. Trong vi khuẩn được chia làm 2 nhóm vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương, từ đây sẽ có 2 dòng kháng sinh chuyên trị cho mỗi nhóm vi khuẩn. Ngoài ra còn có thêm một dòng kháng sinh trị cùng lúc cả 2 nhóm vi khuẩn này.

Về mặt lý thuyết, trước khi kê toa điều trị thì phải xác định nguyên nhân gây bệnh là gì, phải lấy mẫu để xét nghiệm con vi khuẩn là gram âm hay gram dương, vi khuẩn đó nhạy cảm với loại kháng sinh nào, liều điều trị ra sao, thời gian điều trị bao lâu để dùng kháng sinh phù hợp.

Nhưng thực tế, rất nhiều bác sĩ thú y, chủ trang trại chẩn đoán bệnh cho heo, gà bằng… mắt, rồi cứ thế kê thuốc điều trị theo kiểu “đánh bao vây” (dùng tất cả các loại kháng sinh để diệt cả vi khuẩn gram âm và gram dương), thời gian và liều lượng cũng tùy hứng, khiến hiệu quả điều trị thấp, đồng thời dẫn đến hậu quả lờn thuốc, tồn dư trong sản phẩm.

Điều nguy hiểm là quy trình làm ra được một loại kháng sinh mới rất lâu (từ 10 - 20 năm), nhưng việc làm cho con vi khuẩn lờn thuốc rất nhanh, dẫn đến nguy cơ sự phát triển của khoa học không theo kịp với sự biến đổi của vi khuẩn gây bệnh.

Chăn nuôi an toàn không quá... ghê gớm!

Người chăn nuôi viện dẫn nhiều lý do, như giá cả các chất thay thế cao, chăn nuôi nhỏ lẻ khó thực hiện quy trình an toàn, dịch bệnh nhiều thiếu kháng sinh heo gà sẽ chết… Ông có thấy quá khó để cấm chất kháng sinh kích thích sinh trưởng hay không?

Tôi khẳng định chăn nuôi an toàn không quá khó như thế. Quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của người quản lý và người chăn nuôi.

Trước khi sử dụng các chất thay thế, người chăn nuôi cần áp dụng ngay biện pháp an toàn sinh học, như: Sắp xếp lại chuồng trại ở vị trí không quá gần khu dân cư; chú ý quản lý chặt chẽ người và gia súc ra vào; thường xuyên vệ sinh sát trùng trang trại, phương tiện vận chuyển và vật dụng chăn nuôi... Đây là các giải pháp ngăn ngừa bệnh từ xa, bà con chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có thể làm được mà không tốn nhiều kinh phí, quan trọng là ý thức thôi.

Khi làm tốt khâu này rồi thì đương nhiên heo gà sẽ khỏe mạnh, dịch bệnh giảm và lúc đó việc sử dụng các chất thay thế kháng sinh như: axit hữu cơ, thảo dược, probiotic (là những vi sinh vật sống khi vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi về mặt sức khỏe cho đối tượng sử dụng)…, chắc chắn sẽ rất hiệu quả và không tốn nhiều kinh phí như bà con nghĩ.

Ngày 26/02/2016 vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã chính thức công nhận 2 giải pháp kỹ thuật của Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ giúp thay thế rất tốt cho kháng sinh, gồm: Giải pháp sử dụng probiotic thay thế kháng sinh trong TĂCN; và giải pháp sử dụng chế phẩm thảo dược có nguồn gốc bản địa trong TĂCN để sản xuất thịt heo an toàn.

Tôi cho rằng, quyết tâm cắt giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi của Bộ NN-PTNT là bước đột phá và chúng ta hoàn toàn làm được!

 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.