| Hotline: 0983.970.780

Cú hích cho ngành nông nghiệp từ khuyến nông cộng đồng

Thứ Năm 26/12/2024 , 16:27 (GMT+7)

Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh về quy mô, chất lượng, khuyến nông cộng đồng tại 57 tỉnh thành đã tạo nên cú hích quan trọng, toàn diện trong ngành nông nghiệp.

Kết nối, liên kết tiêu thụ nông sản

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2024, Trung tâm đã triển khai thực hiện 122 dự án khuyến nông trung ương trên phạm vi cả nước, trong đó lĩnh vực trồng trọt 41 dự án, lĩnh vực chăn nuôi 30 dự án, lĩnh vực thủy sản và nghề muối 33, lĩnh vực lâm nghiệp 18 dự án.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc (giữa) cùng tổ khuyến nông cộng đồng thăm vùng nguyên liệu gỗ ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: AT.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc (giữa) cùng tổ khuyến nông cộng đồng thăm vùng nguyên liệu gỗ ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: AT.

Ở lĩnh vực trồng trọt, các chương trình, dự án khuyến nông chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch) để phát triển bền vững các cây trồng chủ lực theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa hoặc cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất thông qua việc bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, cải tạo đất và bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn giúp tăng hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình canh tác truyền thống từ 15 – 30%.

Lĩnh vực chăn nuôi bám sát các chủ trương, định hướng của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được phê duyệt tại Quyết định số 1520 của Thủ tướng Chính phủ. Khuyến nông chăn nuôi đổi mới theo hướng chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Xây dựng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng các chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi, chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP…

Việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi giúp nông dân bán sản phẩm được chủ động, ổn định, giá bán cao hơn so với sản phẩm ngoài mô hình. Ảnh: Nguyễn Thành.

Việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi giúp nông dân bán sản phẩm được chủ động, ổn định, giá bán cao hơn so với sản phẩm ngoài mô hình. Ảnh: Nguyễn Thành.

100% hộ tham gia mô hình được chứng nhận VietGAHP nhằm tạo sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời liên kết với các HTX và doanh nghiệp để giết mổ tập trung, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có thị trường ổn định và giá bán cao hơn 5 - 10%, giúp chăn nuôi tại địa phương có hiệu quả, bền vững. Một số sản phẩm tiêu biểu như Xúc xích Công Danh, Thịt lợn tươi Thiên Thuận Tường, Sữa chua Hanamilk, Sữa tươi Hanamilk, Sữa chua nếp cẩm Hanamilk...

Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn thức ăn, làm đệm lót sinh học, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp sức đề kháng của vật nuôi tăng lên, giảm sử dụng nước, tiết kiệm chi phí đầu vào, chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Liên kết với Tập đoàn Quế Lâm giết mổ tập trung và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu “Thịt heo hữu cơ Quế Lâm”. Mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, 100% số hộ đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tạo được lợi thế cạnh tranh.

Việc thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân bán sản phẩm được chủ động, ổn định, giá bán cao hơn so với sản phẩm ngoài mô hình.

Phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ

Lĩnh vực khuyến nông lâm nghiệp tập trung trồng 375ha rừng gỗ lớn bằng các giống tiến bộ kỹ thuật; các mô hình áp dụng quy trình quản lý rừng bền vững gắn với chứng chỉ rừng nhằm nâng cao giá trị của rừng gỗ lớn, năng suất rừng trồng đạt từ 25 - 30m3/ha/năm.

Trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần trồng rừng gỗ nhỏ, với chu kỳ 10 năm, đạt đến giá trị 200 triệu đồng/chù kỳ kinh doanh. Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ là điểm trình diễn để người dân học tập làm theo, tạo lòng tin cho người dân trong chuyển hướng kinh doanh rừng trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Các dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 700 hộ nông dân, giúp người dân thay đổi nhận thức về sử dụng giống mới, giống có chất lượng cao và trồng rừng gắn với chứng chỉ (FSC, VFCS).

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Hậu Giang. Ảnh: Thái Bình.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Hậu Giang. Ảnh: Thái Bình.

Phát triển các mô hình cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu với 471ha như ba kích, sơn tra, quế, hồi, cát sâm, đinh lăng, trám, giổi... Các mô hình đã góp phần nâng cao thu nhập từ 15 - 20% cho người trồng rừng, đặc biệt góp phần tăng cường đa dạng sinh học, giải quyết việc làm cho trên 2.000 nông dân vùng miền núi tham gia vào trồng và liên kết tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, giảm tác động vào rừng tự nhiên để hiện thực hóa Đề án bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ.

Trong lĩnh vực thủy sản, hoạt động khuyến ngư tập trung triển khai các mô hình nuôi cá biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng tập trung công nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các mô hình chuỗi liên kết tổ hợp tác/HTX, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình khai thác hải sản xa bờ, hiện thực hoá định hướng, chủ trương phát triển khai thác thuỷ sản Việt Nam theo Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác chống khai thác IUU.

Triển khai 26 dự án nuôi thủy sản nước ngọt với quy mô 250ha ao/hồ, 400m2 bể và 6.363m3 lồng nuôi. Các chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo theo quy trình nuôi trong lồng năng suất đạt 10 - 15kg/m3; năng suất ao/hồ trên 12 tấn/ha; tôm sú - lúa trên 500kg/ha…; hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15% so với ngoài mô hình, 100% mô hình được ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Triển khai 4 dự án khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm gồm 3 dự án khai thác với 50 tàu; 1 dự án chế biến và bảo quản sản phẩm. Các dự án góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 12%, hiệu suất sử dụng nước đá so với mô hình truyền thống và hiệu quả kinh tế tăng hơn 15%. Triển khai 2 dự án về nghề muối với quy mô 6ha sản xuất muối sạch, năng suất muối tăng ≥10% so với phương pháp sản xuất muối truyền thống.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 276 lớp tập huấn cho trên 1.000 học viên là các cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân trên cả nước, nội dung tập huấn bám sát vào chủ trương, định hướng của Bộ NN-PTNT. Chương trình tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông, nông dân để nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hợp tác công - tư trong hoạt động khuyến nông; phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các dự án mới.

Về Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng", sau 2 năm thực hiện, cả nước đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng với 47.293 thành viên tham gia. Các tổ khuyến nông cộng đồng đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương như chuyển giao kỹ thuật; tư vấn phát triển HTX; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn, dịch vụ; xây dựng nông thôn mới…

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.