Gia súc, gia cầm rét run
Những ngày vừa qua, nhiệt độ ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) xuống dưới 20 độ C, các xã vùng cao như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim nhiệt độ còn thấp hơn nữa.
Theo anh Trương Trọng Huy, cán bộ thú y xã Vĩnh Sơn, ở xã vùng cao này hầu như hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào cũng có chăn nuôi bò, nhưng không nuôi trong chuồng trại như người dân đồng bằng, nếu hộ nào có làm chuồng trại chăn nuôi thì cũng sơ sài, chủ yếu chỉ nuôi thả rông. Ngôi làng có bãi đất rộng, là những hộ chăn nuôi trong làng thả hết bò vào đó.
Theo ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện này có tổng đàn bò khoảng 18.000 con, đàn trâu 1.000 con, đàn heo hơn 19.000 con, đàn gà khoảng 110.000 con.
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh đã tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống rét, như gia cố chuồng trại, che chắn chuồng trại để bảo vệ vật nuôi khỏi gió, mưa lạnh; bổ sung chất độn chuồng để giữ ấm cho gia súc. Đồng thời dự trữ các chất đốt như trấu, mùn cưa hoặc than củi để sưởi ấm chuồng trại khi trời rét.
“Đối với đàn heo, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi cần úm sưởi ấm cho heo con theo mẹ. Người chăn nuôi cũng cần đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Không nuôi thả rông vật nuôi trong những ngày giá rét và che chắn chuồng trại để tránh gió lùa”, ông Thuận chia sẻ.
Còn theo anh Đinh Đang, cán bộ thú xã Vĩnh Kim, tổng đàn bò trên địa bàn xã có khoảng 2.000 con. Tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số từ xưa đến nay chủ yếu là chăn nuôi thả rông bò trong rừng.
“Trước mùa mưa bão và giá lạnh, chúng tôi đã phải lặn lội đi bộ cả buổi đến từng làng, tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi việc tích trữ thức ăn thô như rơm rạ, đồng thời khuyến cáo bà con kiên cố hóa chuồng trại, không để gió lùa vào chuồng; đặc biệt là không thả rông đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp”, anh Đinh Đang chia sẻ.
Ý thức người chăn nuôi được nâng cao
Nhờ sự tích cực tuyên truyền của ngành chức năng, nên ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của người dân miền núi Bình Định được nâng cao, giúp giảm thiểu đáng kể vật nuôi bị dịch bệnh và chết rét.
Anh Đinh Minh Đại, ở thôn K6, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Tôi đang nuôi 5 con bò và 5 con bê. Trước đây, tôi thường thả rông bò, nhưng bò thả rông thường bị thất lạc và mắc dịch bệnh. Bò thả rông trong rừng nếu mắc bệnh chủ nuôi không thể biết để điều trị. Từ khi được ngành chức năng tuyên truyền, vận động tôi đã thay đổi cách chăn nuôi. Từ đó, đàn bò của tôi được tiêm phòng đầy đủ vacxin, được ở trong chuồng trại để chống rét. Tôi còn chủ động trồng cỏ voi để làm thức ăn cho chúng. Nhờ đó, đàn bò của tôi phát triển tốt, ít bị dịch bệnh”.
Theo anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Lão, địa phương này có 10 xã, thị trấn với 57 thôn, làng; tổng đàn gia súc trên địa bàn có gần 25.300 con; trong đó, đàn trâu ước đạt 2.800 con, đàn bò 7.600 con, đàn heo 14.800 con, đàn vịt 93.740 con và đàn gà hơn 50.380 con.
“Đường đi đến những xã vùng cao của huyện An Lão rất xa xôi cách trở, nhất là các xã An Toàn, An Nghĩa và An Vinh. Ngoài cách trở về giao thông, các địa phương nói trên đều có điều kiện khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, làm ảnh hưởng không ít đến chăn nuôi”, anh Đỗ Đình Biểu chia sẻ.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, trước tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, lãnh đạo huyện này yêu cầu ngành chức năng truyên truyền, vận động chăn nuôi chủ động tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi, đặc biệt là heo, để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như dịch tả heo, lở mồm long móng, tai xanh và các bệnh khác.
Trong thời gian này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, khuyến cáo người chăn nuôi cần chú trọng che chắn chuồng trại, đảm bảo không để bị gió lùa và nền chuồng luôn khô ráo để giữ ấm cho đàn vật nuôi.
Đối với đàn heo, người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hằng ngày, che chắn chuồng trại, úm cho heo con; đồng thời cung cấp đủ nước sạch (nước ấm) và bổ sung vitamin tổng hợp vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng cho heo. Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn heo là rất cần thiết.
“Đối với trâu bò, chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế cho chúng ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp. Cần bổ sung thức ăn tinh như bắp (ngô), mì (sắn), cám gạo để giúp trâu bò chống lại giá rét và tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, người chăn nuôi vần dự trữ thức ăn thô như rơm, cỏ khô, thân bắp… để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trâu bò trong những ngày rét”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định khuyến cáo.