| Hotline: 0983.970.780

Học sinh được sử dụng điện thoại - Nên hay không?

Thứ Sáu 25/09/2020 , 13:46 (GMT+7)

Sáng 25/9, báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường THPT Hùng Vương tổ chức tọa đàm 'Học sinh được sử dụng điện thoại - Nên hay không?'.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, trước những tranh cãi quanh Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên…" đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt.

Bên cạnh những phân tích về lợi ích của việc sử dụng điện thoại, còn có nhiều lo lắng về tác hại của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

"Phản ứng đầu tiên là người dân có vẻ không tán thành. Qua tìm hiểu, hầu hết các ý kiến cho rằng, điện thoại di động kết nối internet sẽ giúp học sinh học hỏi được nhiều kiến thức quý báu. Do đó, chúng ta cần định hướng, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại di động đúng cách.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối lại cho rằng, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, do bị phân tâm trong giờ học, lười vận động, chát chít. Ngoài ra, học sinh giao lưu trên mạng, dễ nảy sinh tình trạng bắt nạt, ẩu đả…

Chính vì vậy, cần phải có sự nghiên cứu, thảo luận dưới nhiều góc độ khác nhau để cùng nhau có góc nhìn thấu đáo", nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ.

Học sinh trường THPT Hùng Vương trao đổi ý kiến cùng các chuyên gia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Học sinh trường THPT Hùng Vương trao đổi ý kiến cùng các chuyên gia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại buổi tọa đàm, khi được hỏi, 100% học sinh có mặt đều cho rằng có sử dụng thiết bị điện tử để phục vụ cho việc học tập và giải trí, tất cả đều là do bố mẹ trang bị. Nhiều em học sinh cho rằng việc sử dụng điện thoại thông minh giúp các em tra cứu được nhiều thông tin bổ ích, tìm kiếm được nhiều bài học nâng cao. Tuy nhiên, một số em cũng cho biết, có đôi lúc các em cũng dành khá nhiều thời gian để chat chit hay chơi game.

Thầy Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương chia sẻ: “Ở trường THPT Hùng Vương, trong thời đại số 4.0, thiết bị số đã giúp chúng tôi tiếp cận với tri thức thế giới nhanh hơn, gần hơn. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta kiểm soát được là vấn đề quan trọng.

Do đó, con người muốn sử dụng thiết bị thông minh thì mình phải thông minh hơn nó, làm chủ được nó chứ không để điện thoại làm chủ mình. Với tâm lý của học sinh, các em dễ bị lôi cuốn lắm. Nhiều người trưởng thành vẫn bị lôi cuốn vào game, facebook…”.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, thông tư 32/2020/TT-BGDĐT hoàn toàn không cấm việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng giao quyền cho phép hay không cho phép sử dụng dành cho giáo viên.

Bộ GD-ĐT giao quyền cho chính người giáo viên đứng lớp quyết định. Trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng có những quy định khác nhau. Chẳng hạn, như ở Nhật Bản cho phép học sinh mang điện thoại đến trường đề phòng thảm họa thiên nhiên, để tiện liên hệ.

“Ở Việt Nam, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng trong giờ học. Trong 18 nước chúng tôi khảo sát chỉ có hai nước là cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên mới đây một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc cũng cấm cho học sinh sử dụng”, bà Hoài Phương thông tin.

Còn bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM cho rằng, hiện nay, học sinh chỉ cần một chiếc điện thoại là biết tất cả thông tin trên thế giới. Thách thức của chúng ta trong tương lai là công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot sẽ thay thế con người. Dự đoán, năm 2030 gần một nửa công việc trên thế giới sẽ bị robot thay thế.

“Do đó, trong số 10 học sinh ra trường thì 8 bạn phải giỏi về Công nghệ thông tin, nếu không các bạn sẽ bị đào thải. Nếu chỉ ôm điện thoại để chát chít, xem phim, chơi game thì sẽ tạo ra thách thức rất lớn. Việc kiểm soát công nghệ là chìa khóa cho tương lai. Việc sử dụng điện thoại thông minh hay ngu ngốc là do mỗi chúng ta”, bà Tô Thụy Diễm Quyên lý giải.

Đại diện ngành giáo dục TP.HCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Giáo dục chính trị sinh viên học sinh, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, ngành giáo dục TP.HCM không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học.

"Chúng tôi giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi nhà trường và các thầy cô giáo. Thông tư 32 là một hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phải hiểu rõ Thông tư 32 là sử dụng điện thoại trong giờ học phải được sự cho phép của giáo viên", ông Trọng nói.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.