| Hotline: 0983.970.780

Học sinh 'giải quyết' thực tiễn xã hội tại cuộc thi khoa học kỹ thuật

Thứ Tư 08/02/2023 , 10:02 (GMT+7)

Nhiều đề tài sáng tạo, thiết thực xuất phát từ thực tiễn trong xã hội được các em đưa vào cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

cuộc thi khoa học kỹ thuật TPHCM

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu khai mạc chung kết Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2022 - 2023.

Vòng chung kết Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Thành phố học sinh trung học năm học 2022-2023 diễn ra vào ngày 8/2 qua tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP.HCM) trong không khí sôi nổi và ghi nhận nhiều đề tài xuất sắc. Đến tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và các phòng ban, trường học trên địa bàn thành phố.

Tại vòng chung kết, các thí sinh trình bày đề tài nghiên cứu, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. Các thành viên giám khảo chấm độc lập để chọn ra 4 dự án trong số 52 dự án vào chung kết để tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Ở vòng chung kết cấp thành phố, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh được chú trọng, các câu hỏi của ban giám khảo sẽ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo luôn được lãnh đạo TP.HCM nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng quan tâm chú trọng. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông góp phần đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

“Tham gia cuộc thi, học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn, đồng thời có cơ hội tiếp cận sự gắn kết giữa trường học với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học, phát triển các sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội.

Nhiều dự án không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; các dự án tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TP.HCM.

Trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học đã giúp các em ngày một trưởng thành hơn, trang bị cho mình nhiều kiến thức và kĩ năng hơn. Nhất là qua quá trình mày mò nghiên cứu, khám phá khoa học, các em rèn luyện được những phẩm chất tốt đẹp, hun đúc được tinh thần cống hiến, hi sinh cho khoa học và những giá trị tốt đẹp của cuộc sống", Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói.

Cũng theo ông  Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, gần đây, một số ý kiến trong dư luận cho rằng sân chơi này vượt quá tầm của học sinh phổ thông. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, phía sau những sản phẩm nghiên cứu khoa học của các em học sinh có bóng dáng của người lớn, có sự nghiên cứu thay của thầy cô và các em chỉ là người học thuộc để trình diễn lại.

"Tôi tin rằng, học sinh thành phố trung thực và chúng ta nghiên cứu thực. Mặc dù những sản phẩm có thể còn sơ sài, có thể là những ý tưởng ban đầu nhưng nó là đáng quý, là sức lao động của thầy và trò các trường trên địa bàn TP", ông Hiếu khẳng định.

Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, cuộc thi năm nay nhận được 1.226 dự án từ 131 đơn vị, trong đó có 82 trường cấp THPT, 49 trường THCS và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên, tăng 339 dự án so với năm học 2021 - 2022. Cuộc thi thu hút hơn 2.200 học sinh tham gia, trong đó có 1.305 học sinh THPT và 920 học sinh THCS. Qua vòng sơ loại, 52 dự án lọt vào vòng chung kết, trong đó 49 dự án của khối THPT và 3 dự án của học sinh THCS.

Điểm mới trong công tác tổ chức cuộc thi năm nay như vòng sơ khảo áp dụng các giải pháp sử dụng phần mềm “chống đạo văn”. Ngoài ra, cuộc thi năm nay cũng đòi hỏi sự đảm bảo của ban giám hiệu nhà trường về dự án dự thi của học sinh, xác minh tính trung thực qua việc trao đổi trực tiếp với giáo viên hướng dẫn và học sinh.

cuộc thi khoa học kỹ thuật TPHCM 2

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao đổi với các em học sinh.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay, gần 50% số lượng đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, thể hiện sự quan tâm rất lớn của thế hệ trẻ với các vấn đề tâm lý lứa tuổi, hành vi trong cuộc sống đô thị hiện nay, qua đó giúp tạo một nguồn dữ liệu đáng kể cho các ngành giáo dục, văn hóa xã hội, thông tin truyền thông… có thêm thông tin về thực tế giới trẻ nhằm có những định hướng kịp thời trong tương lai.

Tại cuộc thi, nhiều dự án đã để lại ấn tượng với ban giám khảo như Dự án "Khảo sát hoạt tính sinh học từ cao chiết cây Ráy Gai (Lasia spinosa Thwaites) định hướng tạo sản phẩm bột hòa tan hỗ trợ điều trị viêm gan B"; "Khảo sát hoạt tính sinh học của ba loại trà khô và bước đầu điều chế bột trà làm phụ gia trong thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh Gout, tim mạch"; "Nghiên cứu quy trình sản xuất nước uống lên men từ dịch trà vỏ hạt cà phê"; "Robot A.I chuẩn đoán học sinh bị ngộ độc thực phẩm"; "Sản xuất máy thở Mini bằng phương pháp dùng hạt Zeolite"...

Hay đơn cử như dự án cẩm nang “Tôi là ai?” gồm 33 trang, do Lê Đông Nguyên và Nguyễn Minh Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nghiên cứu thực hiện trong 7 tháng.

Lê Đông Nguyên cho biết, các em đã phải thực hiện nghiên cứu, phỏng vấn 400 học sinh ở độ tuổi từ 14 - 19 tuổi thuộc 21 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Kết quả, trên 80% thanh thiếu niên đã hoặc đang gặp phải tình trạng khủng hoảng bản sắc khi không biết mình thích gì, giỏi gì, muốn gì, thậm chí không hiểu được bản thân. “Bộ cẩm nang này sẽ hướng dẫn cụ thể, giúp các bạn thanh thiếu niên xác định được sở thích, mong muốn cũng như khám phá được bản thân thực sự là ai để vạch ra hướng đi”, Đông Nguyên nói.

Dự án "Cây lắng nghe" của học sinh Trường THPT Marie Curie giải quyết, khắc phục xung đột tâm lý về kỳ vọng thành tích học tập giữa cha mẹ và con cái, là công cụ dùng để trao đổi gián tiếp giữa cha mẹ và con cái.

"Những thẻ cảm xúc với màu sắc tương ứng cảm xúc của học sinh. Màu đỏ là sự giận dữ, màu xanh là sự tự tin... Sau khi thử ngiệm, một bạn học sinh dù ban đầu có ý định bỏ nhà đi do cha mẹ không hiểu suy nghĩ của bạn nhưng sau khi dùng “cây lắng nghe” khoảng 21 ngày với những thẻ cảm xúc khác nhau, cha mẹ và bạn đã có sự thấu hiểu, dần dần có thể trò chuyện cởi mở trực tiếp với nhau”, Minh Thư chia sẻ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.