Ngày 5/12, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi cung ứng thực phẩm, đồng thời cung cấp các chiến lược truyền thông thực tiễn truyền tải thông điệp rõ ràng, chính xác đến công chúng.
Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tham dự hội thảo có cơ hội tìm hiểu các chủ đề: ATTP và hệ thống thực phẩm; Nguyên tắc truyền thông nguy cơ hiệu quả; Thách thức của nhà báo trong truyền thông về ATTP… từ các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm.
Phát biểu chào mừng các nhà báo dự hội thảo, ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, “Trong chuỗi giá trị thực phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm nổi lên như một chủ đề nóng, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và đặc biệt là báo chí. Thông qua hội thảo, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng mạng lưới báo chí nòng cốt, nâng cao nhận thức cộng đồng về ATTP".
Lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam hy vọng rằng, sự đồng hành chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và báo chí sẽ góp phần tạo nên những thay đổi thực chất trong lĩnh vực quan trọng này.
“Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề, như thực phẩm chứa hóa chất, ô nhiễm vi sinh, và thông tin sai lệch về nguồn gốc thực phẩm”, TS.BS. Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện Sức khỏe môi trường & Phát triển bền vững, khẳng định. Ông nhấn mạnh thêm, để truyền thông nguy cơ hiệu quả, cần đảm bảo tính minh bạch, hiểu và đồng cảm với đối tượng mục tiêu, truyền tải thông tin kịp thời, sử dụng bằng chứng khoa học để củng cố thông điệp.
Ngoài ra, cũng cần nhận thấy vai trò của chuỗi truyền thông các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là chuỗi sản xuất thịt lợn và các giải pháp can thiệp, truyền thông phù hợp để đảm bảo an toàn thực phẩm của các chuỗi này. Việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin xã hội. Đồng thời, cần cân nhắc những vấn đề chưa chắc chắn, còn gây tranh cãi, và xử lý thông tin tiêu cực một cách khéo léo.
Cùng với đó, phiên tọa đàm “Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông về ATTP” đã tập trung làm rõ mối liên kết giữa nguy cơ, thông tin khoa học và truyền thông, đồng thời hướng đến việc đề xuất các giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Các chuyên gia đã chỉ ra, một hệ thống lương thực thực phẩm lý tưởng sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về an toàn và chất lượng thực phẩm, đồng thời thúc đẩy phúc lợi kinh tế xã hội, giảm áp lực của hệ sinh thái và tăng khả năng ứng phó với các cú sốc.
Không chỉ vậy, thái độ và động cơ cá nhân, sở thích về mùi vị, sự tiện lợi và nhận thức liên quan đến sức khỏe quyết định sự lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.
Có mối liên hệ chặt chẽ giữa hành vi của người tiêu dùng và môi trường thực phẩm của họ, vì môi trường này là yếu tố quan trọng quyết định sự lựa chọn thực phẩm. Người tiêu dùng ăn những gì họ có sẵn, do đó sự đa dạng của các lựa chọn thực phẩm sẽ định hình hành vi của người tiêu dùng.