| Hotline: 0983.970.780

Những manh nha về hợp tác xã thời Pháp thuộc

‘Hợp tác xã đem nông dân ra khỏi bàn tay sắt của bọn đầu cơ’

Thứ Hai 20/12/2021 , 07:32 (GMT+7)

‘Vấn đề tổ chức nông nghiệp hợp tác xã’ là tên một cuốn sách của Đinh Khắc Giao viết, được Trung Bắc tân văn xuất bản năm 1938.

Gánh thóc về làng. Ảnh: Tư liệu.

Gánh thóc về làng. Ảnh: Tư liệu.

Ngay từ “Lời nói đầu” cuốn sách đã chỉ ra tình thế của nông nghiệp lúc đó: “Nông nghiệp xứ này đang đi đến một nơi ngã ba. Trước sự tiến hóa, nông nghiệp đang đứng vào hai tình thế trái ngược nhau. Một là nếu cứ để cho giai cấp trung nông và bần nông sống trong cảnh chật vật, điêu đứng, để cho họ, vì thiếu tư bản, không còn mong gì mở mang nông nghiệp, không còn hi vọng gì khuếch trương mọi việc kinh doanh để cạnh tranh với các nước, thì rồi đây nghề nông là nghề căn bản của xứ này sẽ cứ theo lề xưa tục cũ, theo những cách di truyền hủ bại, và sớm muộn sa vào cảnh lạc hậu nguy vong.

Hai là nếu nông dân dựa vào một thế lực tư bản nào để mở mang nông nghiệp, và theo những phương pháp mới mẻ, đi vào con đường tiến hóa chung của các nước, thì trước sự thiếu giác ngộ, thiếu tổ chức, thiếu kinh nghiệm, đám nông dân kia sẽ theo công lệ đào thải, chẳng bao lâu hóa thân làm đám nông nô, nhường chỗ cho một nền nông nghiệp tư bản mãnh liệt, và sẽ gây ra một cuộc giai cấp đấu tranh khốc hại ở nơi đồng ruộng”.

Để điều hòa 2 tình thế này, tác giả cho rằng “người ta buộc phải nghĩ ngay đến những nông nghiệp hợp tác xã”. Vì nếu “tổ chức đúng tinh thần của nó thì sẽ là một liều thuốc cấp cứu để chữa cái bệnh trầm trọng của dân quê hiện giờ”.

Nông nghiệp hợp tác xã, theo Đinh Khắc Giao, đó là “một cái hội của nông dân lập ra để bảo vệ quyền lợi kinh tế cho nhau và để tìm đủ mọi phương cách nâng cao trình độ nông nghiệp cho hợp với lẽ tiến của thời gian”.

Nông nghiệp hợp tác xã không phải là những nghiệp đoàn nông dân, mà là những tổ chức chuyên vận động về phương diện kinh tế; trong việc mua bán nông sản, và cách cải lương nghề nghiệp của mình. Còn nghiệp đoàn nông dân là một tổ chức thương nghiệp, có tính cách giai cấp rõ ràng. Nông nghiệp hợp tác xã chỉ là một nông hội, do các tư gia tổ chúc theo những điều kiện mà Chính phủ đã ấn định rõ ràng trong một bản điều lệ, để mưu giữ quyền lợi cho nhau về phương diện kinh tế.

Người nông dân hợp tác xã đó có dịp đoàn kết nhau lại để làm cho nông sản của mình được tăng thêm gia trị ở thị trường. Nông nghiệp hợp tác xã còn giúp cho nông dân không bán đắt bán rẻ ngô đậu, thóc gạo của mình trong hồi sưu thuế.

“Hợp tác xã đem nông dân ra khỏi bàn tay sắt của bọn đầu cơ, họ lợi dụng lúc dân quê cần tiền, đứng ra định giá cho nông sản, và nhiều khi họ dìm giá để bắt chẹt nông dân một cách đáng thương”.

Vận chuyển lúa đến nhà máy rượu ở Hải Dương. Ảnh: Tư liệu.

Vận chuyển lúa đến nhà máy rượu ở Hải Dương. Ảnh: Tư liệu.

Thực tế, “từ xưa tới nay nông dân phần nhiều chất phác mà lại hay nghi ngờ, phận ai nấy lo, nên mỗi khi mua các đồ dùng như cày, bừa, các đồ bón… không có nhà chuyên môn chỉ bảo, thường bị lừa, bị mua đắt. Hợp tác xã sẽ làm cho nông dân tránh được điều tai hại đó. Họ đứng lên mua tận gốc các đồ dùng kể trên, lẽ tất nhiên mua được rẻ vì mua nhiều một lúc, nên có thể phát cho hội viên bằng một giá hạ, mà hội viên lại được chắc chắn có hội đảm bảo cho là đồ tốt. Trừ những việc mua bán kể trên, hợp tác xã còn giúp cho nông dân một cách có hiệu lực trong công cuộc cải lương nông nghiệp. Những cuộc nói chuyện về mọi vấn đề canh nông như chọn giống, cách ủ phân bón, cách giồng cây… sẽ là công việc của hợp tác xã mỗi khi cần đến để khuyến khích nông dân theo những phương pháp khoa học, làm cho nông sản của mình mỗi ngày tốt đẹp hơn lên. Hợp tác xã lại còn đứng trung gian giúp nông dân hội viên có thể giao thiệp thẳng với cơ quan canh nông của nhà nước, mỗi khi nông dân muốn hỏi han những điều cần ích cho nông nghiệp".

Đinh Khắc Giao nêu ví dụ về việc mua các chất bón ruộng cho thấy lợi ích thiết thực của hợp tác xã với nông dân: “Ở thôn quê, có nơi đồng chiêm thừa thãi phân bón, có nơi cấy 2 mùa phải mua rất nhiều đồ bón như khô dầu, phốt phát, các chất bón hóa học… Vì không có nông học chuyên môn nên người dân thường bị lừa.

Trong nông tang không có gì phức tạp, khó khăn hơn là việc dùng các đồ bón. Những người trung gian đứng bán phân bón thì chỉ cổ động làm sao bán được hàng. Họ dùng nhiều quỷ quyệt để lừa gạt anh em nông dân, có khi người dân mua phải đồ giả cũng không biết đâu mà kêu nài, thành ra bị thiệt hại.

Nếu có hợp tác xã thì không bao giờ xảy ra những điều như thế. Hợp tác xã sẽ có những nhà chuyên môn nhận trách nhiệm đứng lên mua mua thẳng với các công ty bán phân để phát cho hội viên. Họ sẽ bắt công ty kia, mỗi khi bán thứ phân nào phải kê khai rõ trong đơn hàng, xem thứ phân ấy có bao nhiều phần chất bổ và những chất bổ gì. Lúc nhận hàng, hội kiểm soát và phân chất lại xem có đúng không. Trước sự thông thạo và cẩn thận của hội, tất nhiên các công ty bán phân bón phải bán hàng tốt mà người trung gian không còn cách chi gian lận nữa”.

Trong giai đoạn đầu xây dựng hợp tác xã đó, tác giả đưa ra một số khó khăn trong thời kì thực hành nông nghiệp hợp tác xã, đó là: 1. Khó khăn về tài chính; 2. Khó khăn về việc kén chọn người chủ trương; 3. Khó khăn về việc điều hòa quyền lợi của các giai cấp phú nông, trung nông và bần nông; 4. Khó khăn về công cuộc tổ chức nội dung hợp tác xã để đánh đổ lòng nghi kị của dân quê (tìm hiểu của cơ quan canh nông, trong 1 vùng 99% nông dân tỏ ý nghi ngờ, lãnh đạm).

Vì vậy, theo Đinh Khắc Giao, “phải tổ chức thật nhiều nông nghiệp hợp tác xã”.

Tác giả Đinh Khắc Giao là chủ bút báo “Tân Việt Nam” có địa chỉ tại 32 đường Henri d’Orléans (phố Phùng Hưng ngày nay). Sách “Vấn đề tổ chức nông nghiệp hợp tác xã” gồm 7 chương và dày 68 trang, trong đó nổi bật là các chương: Thế nào là nông nghiệp hợp tác xã (Chương 1); Những thí dụ về lợi ích trực tiếp của nông nghiệp hợp tác xã (Chương 2), và Sự khó khăn trong thời kì thực hành nông nghiệp hợp tác xã (Chương 6).

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.