| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 28/12/2022 , 10:40 (GMT+7)

Tỉnh Hưng Yên cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cắt băng xuất hành đưa nhãn và nông sản Hưng Yên vào hệ thống phân phối năm 2022.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cắt băng xuất hành đưa nhãn và nông sản Hưng Yên vào hệ thống phân phối năm 2022.

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Theo Sở NN-PTNT Hưng Yên, năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng với năm 2021. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hàng hóa giá trị kinh tế cao, giá trị thu được hơn 215 triệu đồng/ha.

Ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao, theo tiêu chuẩn GAP. Đến nay, 99 mô hình sản xuất nông nghiệp đã được cấp chứng nhận mới, nâng tổng diện tích VietGAP lên 3.107ha.

Xây dựng mới 45 mô hình chuỗi sản xuất an toàn, nâng tổng số lên 128 mô hình chuỗi, sản xuất hữu cơ 48,62ha, trong đó: nhãn 8,5ha; vải trứng 31,12ha; dưa, ổi, cam 9ha đã góp phần tăng chất lượng, sản lượng và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

Toàn tỉnh chuyển đổi 1.238ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên 18.318ha. Diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh, nhất là cây nhãn đạt 4.760ha (tăng 2,04%), vải 1.141ha, (tăng 4,51%), cây có múi 4.628,85ha (tăng 5,2%), diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 70,1%.

Trong chăn nuôi, Hưng Yên đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Ước tính năm 2022, tổng đàn lợn tăng gần 8,11%, đàn bò đạt 31.250 con, đàn trâu 4.030 con, tổng đàn gia cầm tăng 2,63%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 136 nghìn tấn (tăng 5,9%).

Lĩnh vực thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp. Phát triển công nghệ nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi lồng bè trên sông và nuôi thủy sản trong ao bán nổi với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao,... Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh 5.750ha (tăng 25ha).

Tỉnh Hưng Yên cũng quan tâm, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2021-2022, tỉnh đã hỗ trợ nông dân khoảng 4,3 tỷ đồng mua máy móc, nông cụ, góp phần đưa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch lúa đạt 95,9%, cấy bằng máy 880ha.

Cùng với đó, công tác thủy lợi và bảo vệ đê điều gắn với phòng chống thiên tai được thực hiện có hiệu quả. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở nông thôn, nhất là các làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung cũng đang được chú trọng để đầu tư.

Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, khoảng 25% tổng diện tích nhãn Hưng Yên đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, khoảng 25% tổng diện tích nhãn Hưng Yên đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xây dựng, bổ sung, điều chỉnh khá đồng bộ, đầy đủ và cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, kinh tế tập thể và HTX đạt kết quả tốt, số lượng HTX thành lập mới tăng, hoạt động HTX dịch vụ nông nghiệp cơ bản được chuyển đổi. Năm 2021 và 8 tháng năm 2022, tỉnh đã thành lập mới 32 HTX và 159 tổ hợp tác, nâng tổng số 350 HTX và 290 tổ hợp tác.

Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Năm 2021, đã đánh giá, sếp loại được thêm 70 sản phẩm OCOP, nâng tổng số 140 sản phẩm OCOP được xếp loại, đánh giá từ 3 sao trở lên. Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 729 trang trại, tạo việc làm cho trên 2.468 người, doanh thu đạt 1.946,5 tỷ đồng/năm (bình quân 2,67 tỷ đồng/trang trại/năm).

Phát triển nông nghiệp gắn xây dựng NTM

Ngành nông nghiệp Hưng Yên những năm gần đây tiếp tục phát triển theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tạo sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo thêm nguồn lực cho xây dựng NTM.

Năm 2022, toàn tỉnh có 139 xã đạt chuẩn NTM, 61 xã được công nhận xã đạt NTM nâng cao, bằng 44% số xã; 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 10 huyện đạt chuẩn NTM, 53 khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Một góc nông thôn của huyện Tiên Lữ 

Một góc nông thôn của huyện Tiên Lữ 

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được tích cực triển khai thực hiện; các công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn được xây mới, cải tạo sửa chữa, nâng cấp ngày càng hoàn thiện, phục vụ cho đời sống, sinh hoạt và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh cho người dân.

Đến hết năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, số hộ dân nông thôn có điều kiện sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN02 là 92%.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều giảm nhanh xuống còn 2,55%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội chiếm 49,02%; 100% các xã trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo (sau khi trừ đi hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) đạt dưới 2%.

Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. 100% hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên và an toàn.

Một đoạn đường qua huyện Văn Giang.

Một đoạn đường qua huyện Văn Giang.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Hưng Yên, mục tiêu của ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn: Tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; Ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; Tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trong xây dựng NTM, sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn. Tập trung xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo kế hoạch; Tăng cường hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về các khâu xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 195 khu dân cư kiểu mẫu; có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Phù Cừ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.