Nhiệm vụ thay đổi
Thời gian qua, nông nghiệp Hưng Yên đã có nhiều bước đi mang tính đột phá, tạo nhiều chuyển biến mới. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Trong đó, tỉnh đã chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng hóa, cây có giá trị kinh tế cao kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Điều này dẫn tới đối tượng phục vụ tưới, tiêu của nhiều công trình thủy lợi đến nay đã bị thay đổi. Nhiệm vụ của các công trình này và hệ thống kênh mương cũ không còn phù hợp, hiệu quả phục vụ công trình thủy lợi không cao. Công nghiệp hóa, đô thị hóa và hệ thống giao thông phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu tiêu thoát nước ngày một tăng cao gây áp lực lớn cho hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh Hưng Yên.
Trước thực trạng trên, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi và tư duy làm thủy lợi cũng từng bước được thay đổi, bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Kình – Phó giám đốc Sở NN – PTNT Hưng Yên phụ trách thủy lợi cho biết nhiệm vụ ban đầu của các công trình thủy lợi là phục vụ nông nghiệp và cấp nước cho lúa là chủ yếu. Tuy nhiên, trước sự phát triển về kinh tế, xã hội, nông nghiệp Hưng Yên đã thay đổi tư duy, tầm nhìn theo hướng chuyên canh và đã nghiên cứu chuyển đổi các khu vực đất trồng lúa kém sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn dẫn đến các công trình thủy lợi cũng cần được thay đổi nâng cấp để đáp ứng phục vụ tưới tiêu trong tình hình mới.
Hiện nay, đối tượng phục vụ chính của ngành thủy lợi Hưng Yên gồm tưới phục vụ cho lúa và các cây nông nghiệp hàng hóa; phục vụ tiêu thoát nước cho các khu đô thị, khu dân cư; giải quyết ô nhiễm trong hệ thống thủy lợi.
Trước đây, do chỉ tập trung vào phục vụ sản xuất lúa nên việc lấy nước tưới cần phải tưới tràn, tưới ngập nhưng các loại cây nông nghiệp hàng hóa lại không phù hợp mà cần đảm bảo có nước tưới dưỡng và tiêu thoát nước nhanh chóng. Đối với tiêu cho đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, diện tích san lấp lớn, cốt nền được nâng cao nên nước dồn về rất nhanh dẫn đến đột biến trong hệ số tiêu gấp đến 4-5 lần so với phần nông nghiệp gây áp lực lớn lên hệ thống.
“Nếu như trước đây, để đảm bảo nước tưới, quá trình điều tiết nước có thời kỳ một số khu vực như Triều Dương phải đóng cống để giữ nước lại do đây là điểm cuối của hệ thống Bắc Hưng Hải nên nước về đến đây không nhiều. Thế nhưng đến nay việc đóng cống giữ nước đã không còn phù hợp bởi nước thải từ các khu dân cư, khu chăn nuôi của bà con được xả vào hệ thống gây ô nhiễm nặng, nước giữ lại để tưới dưỡng không đảm bảo chất lượng”, Ông Kình cho biết.
Do đó, giải pháp và nhiệm vụ mà ngành thủy lợi Hưng Yên đặt ra là phải đảm bảo được lưu tốc dòng chảy, lưu thông trong hệ thống phải được thường xuyên hơn thanh thải toàn bộ hệ thống mới đảm bảo được nước sạch phục vụ tưới tiêu.
Chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống
Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác sử dụng 638 trạm bơm (26 Trạm cột nước thấp). Trong đó, chuyên tưới 454 trạm (9 Trạm cột nước thấp), chuyên tiêu 38 trạm (4 Trạm cột nước thấp) và tưới tiêu kết hợp 146 trạm (13 Trạm cột nước thấp). Hệ thống kênh nội đồng của tỉnh cơ bản hoàn thiện từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, với tổng chiều dài hơn 6.289km. Cụ thể, sông trục hệ thống Bắc Hưng Hải là 93,5km; kênh trục liên huyện và kênh dẫn nước tưới, tiêu chính là 1.195km; kênh tiểu thủy lợi hơn 5.000km.
Theo ông Kình, phương hướng nhiệm chính sắp tới của thủy lợi Hưng Yên sẽ tăng cường đầu tư cải tạo nâng cấp, để đáp ứng nhiệm vụ tiêu thoát nước, đối với các kênh dẫn nước do hạn chế về mặt bằng, khó có thể mở rộng nên sẽ tập trung nạo vét. Thứ hai là nâng cấp các cống và trạm bơm, để đảm bảo nhiệm vụ cấp nước và tiêu nước đặc biệt là các trạm bơm và các cống các cống ra sông lớn như sông Hồng và sông Luộc. Đối với các trạm bơm theo đồng chỉ cần nâng cấp thêm về công suất, kết hợp cùng với một số trạm bơm cột nước thấp.
Đặc biệt, tập trung đầu tư nâng cấp các cống hoạt động theo nguyên tắc tháo tự chảy bởi những cống này ngoài đảm bảo nhiệm vụ lấy nước bổ sung từ sông Hồng và sông Luộc mà còn giúp tiêu tự chủ ra sông lớn.
Ông Kình nhận định, hiện nay, quy trình điều tiết nước trên thượng nguồn của các công trình thủy điện đã cắt hết lũ tiểu mãn, nên về mùa mưa nước sông Hồng và sông Luộc không cao, chỉ duy trì ở mức bình thường phù hợp cho các cống tháo tự chảy. Do đó, chỉ cần chủ động cho nước chảy tự do mang lại hiệu quả và tiết kiệm trong quá trình quản lý vận hành. Đồng thời, tạo dòng chảy cho hệ thống, thanh thải ô nhiễm môi trường.
Điển hình như tại trạm bơm Nghi Xuyên tại Khoái Châu với cốt đất ở khu vực này cao từ 3,5-4 dương. “Nếu như trước đây, mực nước thường ở khu vực này từ 2,5 đến 3 là đã phải chạy máy bơm, bơm tốc lực để tiêu úng do nước về nhanh. Mỗi máy bơm vận hành tiêu tốn 700kw/h. Trong khi đó, quy trình thiết kế cống tiêu tự động đảm bảo công suất tiêu với chênh lệch giữa thượng hạ lưu cống chỉ khoảng từ 10-20cm mức tiêu thụ điện năng ít do chỉ vận hành nâng hạ cửa cống, mực nước sông Hồng hiện nay rất tốt cho việc tiêu tự chảy đến chỉ cần nước dâng đạt đến 10cm là chảy nhanh lắm”, Ông Kình cho biết.
Những hiệu quả từ những công trình thủy lợi được nâng cấp tại Hưng Yên, cùng những thay đổi trong tư duy đã từng bước hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh, đảm bảo chủ động trữ nước, điều hòa, phân phối nguồn nước trong nội tỉnh liên huyện, liên vùng. Sau thành công của việc nâng cấp một số cống ra sông Hồng và sông Luộc như Nghi Xuyên, Võng Phan và mới đây là Triều Dương, sắp tới nếu Công trình trạm bơm Tam Đa sông Kẻ Sặt được đầu tư nâng cấp sẽ tạo nên một hệ thống trục liên kết không chỉ phục vụ tiêu tưới cho khu vực Hưng Yên mà còn cho cả trục sông nội đồng Kim Sơn, giảm tải cho đê trục Bắc Hưng Hải.