| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên vượt khó, quyết tâm xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 23/12/2022 , 09:30 (GMT+7)

Mặc dù năm 2022 gặp nhiều khó khăn, song Hưng Yên đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu đề ra trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022 là một năm tỉnh Hưng Yên gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó phải kể đến nguồn vốn. Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương cho xây dựng NTM không nhiều, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đời sống, thu nhập của người dân bị giảm sút nên việc huy động, đóng góp của người dân cho xây dựng NTM cũng giảm.

Năm 2022, toàn tỉnh đã có thêm 22 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Ảnh: HG

Năm 2022, toàn tỉnh đã có thêm 22 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Ảnh: HG

Mặt khác, tháng 3/2022, bộ tiêu chí mới về xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành; so với bộ tiêu chí trước đó thì bộ tiêu chí trong giai đoạn này có nhiều tiêu chí mới, yêu cầu cao hơn, đòi hỏi thời gian và nguồn lực thực hiện nhiều hơn.

Năm 2022, toàn tỉnh đã có thêm 22 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Nâng tổng số xã được công nhận xã đạt NTM nâng cao lên 83 xã (đạt tỷ lệ 59,7%). Cùng đó, toàn tỉnh có thêm 13 xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu, nâng tổng số lên 19 xã (đạt tỷ lệ 13,6%). Và tính đến nay, toàn tỉnh có 93 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 23 khu dân cư so với năm 2021.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các cấp, ngành đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm vượt khó, đạt mục tiêu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp sâu sát, quyết liệt, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Cùng đó, công tác tuyên truyền, vận động đã được cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp thường xuyên quan tâm với nhiều hình thức, cách làm phong phú nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên hiểu được mục đích, ý nghĩa, chủ trương của đảng, chính sách của nhà nước về xây dựng nông thôn mới và đã có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Từ đó đã có nhiều xã người dân hưởng ứng bằng việc đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công để làm đường giao thông thôn xóm.

Sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM đạt tỷ lệ cao. Theo khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân với mức độ đạt chuẩn tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu và các khu dân cư NTM kiểu mẫu đều đạt từ 85-90%, có xã đạt 100% ở tất cả các câu hỏi về nội dung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang). Ở các địa phương nhân dân đã tham gia tích cực vào các nội dung xây dựng nông thôn mới, như đóng góp ngày công, hiến đất, ủng hộ kinh phí làm đường giao thông... không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cũng theo ông Tuân, tiếp nối những kết quả đạt được của năm 2022, Hưng Yên phấn đấu năm hết năm 2023 có thêm 15 - 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu; 25 - 30 xã NTM nâng cao; 10 - 15 xã NTM kiểu mẫu. Tiếp tục duy trì mức đạt chuẩn NTM, hoàn thiện các nội dung tiêu chí NTM còn yếu của giai đoạn 2016-2020. Nâng cao phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối nông thôn - đô thị và kết nối giữa các địa phương.

Muốn đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, xây dựng gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt và mô hình sản xuất tiêu biểu… Đặc biệt là những vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân, với phương châm lấy sức dân để lo cho dân. Thường xuyên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trong việc triển khai và thực hiện chương trình.

Nhiều nhà văn hóa được đầu tư xây mới khang trang. Ảnh: HG

Nhiều nhà văn hóa được đầu tư xây mới khang trang. Ảnh: HG

Tiếp tục triển khai, nhân rộng phân loại rác thải tại nguồn; phân loại rác thải kết hợp xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình, tập trung vào việc đào hố xử lý rác thải; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hàng ngày và các mô hình mới về bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đội vệ sinh môi trường tự quản, khuyến khích thành lập Công ty tư nhân làm dịch vụ môi trường ở các huyện, thị xã.

“Ngoài ra, cần hoàn thiện các Trung tâm Văn hóa xã và nhà văn hóa các thôn chưa đạt chuẩn; đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng 40 trạm y tế xã tổng kinh phí 106 tỷ đồng; đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho 155 trạm y tế tuyến xã tổng kinh phí 20 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội lĩnh vực y tế (chưa bao gồm vốn đối ứng của huyện, xã).Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các cơ sở hạ tầng theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa, hiện đại hoá để đạt được tiêu chí nông thôn mới và đạt chuẩn quốc gia; 100% các trường học đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp”, ông Tuân cho biết.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.